Cùng vượt trở ngại
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi, nhà đàm phán hàng đầu của Iran, cho biết, các bên tham gia dự kiến tiếp tục tham vấn về khả năng Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, cũng như đảm bảo việc thực thi đầy đủ và hiệu quả thỏa thuận này.
Trước đó, Mỹ đã thông báo dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với 3 cựu quan chức Iran và 2 công ty trước đây kinh doanh hóa dầu của Iran. Đây là bước đi theo thông lệ, cho thấy sự sẵn sàng của Mỹ trong giảm bớt các biện pháp trừng phạt khi có lý do chính đáng. Trước thềm vòng đàm phán mới, cả Ngoại trưởng Mỹ và Iran đều có những tuyên bố nghi ngờ lẫn nhau. Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Mỹ vẫn chưa rõ liệu Iran có sẵn sàng và thực hiện những gì nước này cần làm để trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân hay không. Ông Blinken khẳng định, những lệnh trừng phạt không liên quan đến thỏa thuận hạt nhân lên tới con số hàng trăm và chúng sẽ vẫn được giữ lại. Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif cho biết, vẫn cần chờ xem Mỹ có sẵn sàng bãi bỏ chính sách “gây sức ép tối đa” của chính phủ tiền nhiệm và ngừng sử dụng khủng bố kinh tế làm đòn bẩy để “mặc cả” hay không.
Còn Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cho rằng, cuộc bầu cử tổng thống Iran vào ngày 18-6 đang là một nhân tố phức tạp trong đàm phán. Mỹ đang lo ngại lập trường hạt nhân Iran sẽ thay đổi khi nước này có tổng thống mới. Tuy nhiên, người phát ngôn Chính phủ Iran, ông Ali Rabiei, đã xóa bỏ nghi vấn này của Mỹ và khẳng định việc tham gia đàm phán hạt nhân với các cường quốc là một quyết định quốc gia, sẽ không thay đổi sau cuộc bầu cử do vấn đề này đã được lãnh tụ tối cao, Đại giáo chủ Ali Khamenei quyết định.
Ảnh hưởng quan trọng
Đài RFI dẫn bình luận của các chuyên gia cho rằng, dù kết quả cuộc bỏ phiếu tổng thống Iran ra sao cũng sẽ không làm lệch các cuộc đàm phán hạt nhân đang diễn ra, vì có sự đồng thuận chính trị rộng rãi ở Tehran. Giới chuyên gia lập luận rằng, dù theo khuynh hướng ý thức hệ nào, các nhà lãnh đạo Iran đều biết rằng chỉ có cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015, họ mới có thể tự giải phóng khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Chiến dịch gây áp lực tối đa về kinh tế và ngoại giao của Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Donald Trump đã đẩy Iran vào tình trạng hỗn loạn kinh tế sâu sắc, với doanh số bán dầu thấp và bị loại khỏi hệ thống tài chính quốc tế. Đất nước 83 triệu dân này đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát phi mã và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Các nhà phân tích nhận định, giờ đây, nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden hứa hẹn sẽ có cơ hội xoay chuyển tình thế, khi chính ông Biden đã ủng hộ các nỗ lực ngoại giao nhằm khôi phục thỏa thuận, còn các quan chức Mỹ đã gián tiếp tham gia các cuộc đàm phán tại Vienna giữa Iran và các bên Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga.
Theo Eurasia Group, ứng viên tổng thống Iran Ebrahim Raisi, người có khả năng chiến thắng trong cuộc bầu cử, “đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc quay trở lại hiệp định hạt nhân và ông ấy rất có thể sẽ tiếp tục thực hiện nó với tư cách là tổng thống”. Nếu một thỏa thuận được thống nhất trước tháng 8 tới đây, “ông ấy (Raisi) có thể sẽ gặt hái được những lợi ích chính trị đáng kể từ việc bán dầu, tiếp cận nguồn dự trữ ngoại hối bị đóng băng và phục hồi tăng trưởng. Điều này sẽ mang lại cho ông Raisi một bước đệm đáng kể trong 2 năm đầu tiên tại vị”.
Iran đã giành lại quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc sau khi Mỹ cho phép Tehran sử dụng khoản tiền đang bị phong tỏa tại Hàn Quốc để thanh toán 16,2 triệu USD tiền nợ tổ chức toàn cầu này. Hiện Iran có khoảng 20 tỷ USD tiền bán dầu bị phong tỏa tại Hàn Quốc, Iraq và Trung Quốc từ năm 2018 theo những lệnh trừng phạt do chính phủ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt. |