Vệt bài “Mắc cạn” điện mặt trời, điện gió đăng trên Báo SGGP các ngày 1, 2 và 3-11 đã phần nào mô tả được bức tranh về phát triển loại năng lượng tái tạo hiện nay. Chính sách ưu đãi của Chính phủ đã thu hút rất đông từ người dân đến doanh nghiệp tham gia đầu tư. Tới thời điểm này, bên cạnh những hiệu quả đem lại thì nhà đầu tư đang vướng nhiều vấn đề, cơ bản là không bán được điện như mong muốn, đối mặt cảnh nợ nần!
Nhằm khuyến khích đầu tư điện mặt trời (ĐMT), ngày 11-4-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg; tiếp đó là Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6-4-2020. Về phát triển điện gió, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29-6-2011; sau đó là Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10-9-2018. Điểm chung của các quy định này là đưa ra các cơ chế ưu đãi về vốn đầu tư và thuế, phí, về đất đai; áp dụng cơ chế mua bán điện theo giá cố định FIT (Feed-in Tariff), được điều chỉnh theo tỷ giá của đồng USD. Giá mua điện cố định 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại, bên mua điện tiêu thụ toàn bộ sản lượng điện của các nhà máy. Tuy nhiên, để được hưởng giá FIT, dự án ĐMT phải hoàn thành và vận hành thương mại trước ngày 1-1-2021 và điện gió là trước ngày 1-11-2021.
Nguyên nhân dẫn đến vướng mắc, hiện có rất nhiều câu hỏi cần được trả lời thấu đáo. Được khuyến khích đầu tư nhưng tại sao những công trình ĐMT áp mái của nhà dân, dự án nhỏ lẻ bị cắt giảm sản lượng, khiến nguồn thu nhập không đảm bảo, đối mặt rất nhiều khó khăn? Nhiều nhà đầu tư dự án điện không kết nối kịp giá FIT thắc mắc: Dự án trễ hạn, việc chậm ban hành giá mua điện đã và đang gây ra lãng phí tiền của xã hội khủng khiếp, ai sẽ chịu trách nhiệm? Tiếp đó, kiến nghị của các chủ đầu tư dự án, các địa phương có dự án đóng trên địa bàn vì sao đến nay vẫn bị treo “lửng lơ con cá vàng”?
Về trách nhiệm, là tư lệnh ngành, Bộ Công thương cần có giải pháp hài hòa xử lý dứt điểm vụ việc, càng sớm càng tốt. Dĩ nhiên, việc xử lý phải hội đủ tình và lý. Thực tế, năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát dẫn đến nhiều dự án điện ngưng thi công nên không kịp tiến độ để hưởng giá FIT, do vậy phải xem xét yếu tố này, bởi đây là tình huống cực kỳ “đặc biệt”. Mặt khác, tiền của người dân bỏ ra đầu tư, cũng như của các doanh nghiệp, vay từ các tổ chức tín dụng đều là nội lực của quốc gia. Khởi đầu hồ hởi tham gia chính sách của nhà nước, sau đó bị vướng mắc khó khăn, nguy cơ thua lỗ là đoạn kết không ai mong muốn. Đặc biệt, phải biết rằng, sự tham gia của người dân là hết sức trân trọng, do đó thực thi chính sách phải đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân cũng chính là sự bảo tín của nhà nước. Chưa hết, việc xử lý các dự án cần thành lập hội đồng tư vấn, không chỉ do mỗi ngành điện chỉ định mà phải có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, luật sư… để đảm bảo sự khách quan, minh bạch, đúng pháp luật và quyền lợi cho nhà đầu tư. Những vấn đề này cần phải tiếp tục được bổ sung thêm, ngoài những quy định của Thông tư 15 mà Bộ Công thương vừa ban hành để xử lý các dự án điện dang dở…
Ngành điện là mạch máu quan trọng của nền kinh tế - xã hội. Điện hạt nhân đã loại bỏ, điện than không còn phù hợp, thủy điện càng teo tóp, cũng như để nhiều hậu quả khó lường… Chúng ta hội nhập sâu rộng, cam kết phát triển sạch, phát triển bền vững cùng với thế giới, do đó cần phải đầu tư hạ tầng ngành điện đáp ứng sự phát triển đa dạng nguồn điện, phục vụ phát triển kinh tế đất nước cũng như bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.