Nhiễm độc botulinum là do vi khuẩn kỵ khí Clostridium botulinum gây ra. Đây là một loại vi khuẩn chỉ sống và phát triển được trong môi trường hoàn toàn không có không khí. Vi khuẩn này sản sinh ra một loại protein độc, có thể coi như độc nhất. Độc tố này được hấp thụ qua đường ruột người bị nhiễm khuẩn, đi vào máu và tấn công bằng cách gắn kết với tế bào thần kinh làm tê liệt thần kinh vận động, dẫn tới người bệnh bị yếu và liệt cơ, ngưng thở và tử vong.
Chủng vi khuẩn botulinum gây bệnh trên người hiện được phân ra 7 loại (subtype A,B,C,D,E,F,G), do vậy độc tố cũng có 7 loại khác nhau. Chủng vi khuẩn gây bệnh trên trẻ em thường do 2 loại A và E, trong khi đó trên người lớn có thể do cả 7 loại trên. Khi chưa có thuốc giải, tỷ lệ tử vong được ghi nhận tại Mỹ là 60%, nay có thuốc giải, tỷ lệ tử vong giảm xuống dưới 7%.
Thuốc giải độc botulinum lần đầu tiên được tạo ra vào năm 1970 ở Viện Nghiên cứu y tế quân sự Mỹ. Đến năm 2013, thuốc giải botulinum hỗn hợp của 7 loại mới được cấp phép sản xuất đại trà. Nguyên lý sản xuất thuốc giải botulinum cũng tương tự như cách sản xuất thuốc giải nọc rắn. Nhưng tại sao lại hiếm?
Vấn đề là số người bị nhiễm botulinum trên thế giới không nhiều. Theo thống kê ở Mỹ, trong thế kỷ trước, hàng năm có khoảng dưới 200 người/năm bị nhiễm botulinum và hiện giờ chỉ dao dộng ở hàng đơn vị hay hàng chục. Do vậy, việc sản xuất ra thuốc giải với số lượng lớn là không cần thiết, chỉ sản xuất lớn khi có đơn đặt hàng.
Ở các nước phát triển, cơ quan cứu trợ khẩn cấp y tế của mỗi nước có dự trữ một lượng nhất định ở hầu hết các sân bay lớn. Khi cần họ có thể cho lên máy bay và chuyển ngay đến nơi cần. Việc điều trị tốt nhất là dưới 2 ngày từ khi phát hiện triệu chứng. Thuốc giải chỉ kết hợp được với độc tố còn tự do trong máu và phân hủy nó, còn nếu các độc tố đã bám được vào tế bào của hệ thần kinh thì không thể giải độc, chỉ chờ cơ thể tái tạo lại tế bào khác.
Nguy cơ nhiễm độc luôn tồn tại và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngành y tế cần mua dự trữ một số lượng nhất định thuốc giải này. Thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent có thể trữ lạnh -20°C trong 4 năm, như vậy việc mua thuốc để đề phòng cho cả nước là việc cần thiết và nằm trong khả năng của ngành y tế. Không chỉ riêng botilinum, Bộ Y tế vừa qua đã được Chính phủ giao nghiên cứu, xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung.
Như vậy, cần sớm có cơ chế đặc thù về tài chính để các cơ sở chữa bệnh chủ động dự phòng các loại thuốc hiếm; có cơ chế để cơ sở khám chữa bệnh mua sắm, dự trữ một số thuốc chống độc và chấp nhận hủy bỏ nếu không có bệnh nhân dẫn đến thuốc hết hạn. Điều quan trọng, bộ phải có chính sách khuyến khích doanh nghiệp dược trong nước triển khai sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước. Đừng để câu chuyện buồn mang tên “Thiếu thuốc” tiếp diễn!