Gỡ khó tuyển sinh trường nghề

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã được chuyển từ Bộ LĐTB-XH sang Bộ GD-ĐT quản lý về mặt nhà nước. Việc đào tạo, liên thông đào tạo lên cấp học cao hơn, liên kết tạo việc làm trong thời gian tới ra sao là điều phụ huynh, học sinh và các trường nghề đang quan tâm khi mùa tuyển sinh cận kề.

Tăng chỉ tiêu, mở ngành học mới

Năm 2025, Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM tuyển 3.300 chỉ tiêu cho 18 ngành trình độ cao đẳng, 8 ngành trình độ trung cấp, xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển bằng học bạ THPT (điểm trung bình cả năm lớp 12). Trước mắt, nhà trường vẫn sử dụng mã trường là CDD0212 như khi còn trực thuộc Bộ LĐTB-XH để thí sinh đăng ký.

Tương tự, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM tuyển 1.500 chỉ tiêu cho 15 ngành nghề trình độ trung cấp, 24 ngành nghề trình độ cao đẳng và trên 1.000 chỉ tiêu cho 30 nghề đào tạo ngắn hạn, thường xuyên; 17 ngành nghề trình độ sơ cấp. Trong khi đợi Bộ GD-ĐT cấp mã trường, nhà trường vẫn sử dụng mã trường là CDD: 0213.

K4b.jpg
Thầy và trò Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, TPHCM trong giờ thực hành

Trường Cao đẳng Viễn Đông vẫn áp dụng tuyển sinh theo quy chế năm 2024 nhưng chia tỷ lệ: 70% chỉ tiêu tuyển sinh theo các phương thức giống năm 2024 (xét học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển từ điểm kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia tổ chức) và 30% chỉ tiêu tuyển sinh chung hệ thống của Bộ GD-ĐT theo thời gian quy định giống các trường đại học và cao đẳng khối ngành sư phạm.

Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (Đồng Nai) xây dựng phương án tuyển sinh theo phương thức chủ yếu là xét học bạ, với chỉ tiêu năm nay là 1.900 (tăng 10% so với năm 2024), đồng thời mở thêm ngành mới là Robot công nghiệp.

Ở hệ trung cấp, các trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt, Trung cấp Bến Thành, Trung cấp Tây Nam Á, Trung cấp Lê Thị Riêng, Trung cấp Tổng hợp Đông Nam Á, Trung cấp Tây Bắc… ngoài chỉ tiêu tuyển sinh như năm 2024 cũng có phương án tuyển sinh, đào tạo nhân lực cho ngành Vi mạch bán dẫn, trong đó tập trung đào tạo nguồn nhân lực kiểm thử với chỉ tiêu khoảng 300-500.

Riêng Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương (TPHCM) cho hay, đang nộp hồ sơ mở thêm ngành Chăm sóc sắc đẹp để tuyển sinh trong năm nay.

Đề xuất kết nối vào hệ thống tuyển sinh chung

Theo lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, vấn đề băn khoăn nhất trong công tác tuyển sinh năm 2025 chính là năm nay là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo Chương trình GDPT 2018, bậc đại học cũng thay đổi quy chế tuyển sinh, quy đổi điểm trong các phương thức xét tuyển.

ThS Trương Văn Tâm, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh, cho biết, mùa tuyển sinh đã bắt đầu “nóng” từng ngày, nhưng đến hiện tại trường vẫn đang chờ chỉ đạo của Bộ GD-ĐT để làm thủ tục kết nối hệ thống dữ liệu chung của các trường đại học, cao đẳng vào hệ thống tuyển sinh chung của bộ. Do đó, công tác tư vấn tuyển sinh vẫn phải làm theo cách cũ, vừa thiệt thòi cho trường vừa thiệt thòi cho người học.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (Đồng Nai), băn khoăn về việc chậm trễ kết nối hệ thống dữ liệu chung của các trường đại học, cao đẳng vào hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Để tránh bị động, trước mắt, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã chuẩn bị hoàn chỉnh thông tin tuyển sinh để sẵn sàng đưa lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT khi bộ chính thức có chỉ đạo về việc này.

“Đây là điều các trường nghề mong chờ để có thể nằm chung hệ thống xét tuyển với các trường đại học. Nếu được nằm chung hệ thống, các trường nghề, nhất là trường cao đẳng, sẽ được công bằng với các trường đại học trong việc tiếp cận thí sinh. Đồng thời thí sinh cũng có thể tiếp cận thông tin cùng lúc giữa giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp một cách minh bạch, đầy đủ. Từ đó, các em có thể lựa chọn bậc học phù hợp với điều kiện, năng lực của mình”, TS Nguyễn Khánh Cường bày tỏ.

chu de.jpg
Xưởng thực hành ngành công nghệ ô tô của cơ sở 3, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Ảnh: QUANG HUY

Về vướng mắc trong đào tạo liên thông, theo PGS-TS Nguyễn Tiến Đông, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ (Bắc Ninh), tháng 10-2024, khi giáo dục nghề nghiệp còn thuộc sự quản lý của Bộ LĐTB-XH, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Nghị định quy định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân để lấy ý kiến đóng góp.

Theo dự thảo, người tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng đều có cơ hội tham gia học liên thông lên đại học dù có bằng tốt nghiệp THPT hay không. Các cơ sở giáo dục đại học căn cứ quy chế đào tạo để quy định chi tiết và thực hiện công nhận kết quả học tập cho người tốt nghiệp trung cấp cùng nhóm ngành nghề, trong đó tỷ lệ khối lượng học tập được miễn, giảm ở chương trình đào tạo đại học không vượt quá 20%.

Chỉ riêng các ngành nghề thuộc lĩnh vực sức khỏe có yêu cầu giấy phép hành nghề là không áp dụng miễn, giảm khối lượng học tập. Tỷ lệ khối lượng học tập được miễn, giảm khi liên thông từ cao đẳng lên đại học không vượt quá 50% đối với người tốt nghiệp cao đẳng cùng nhóm ngành nghề từ cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thời điểm tốt nghiệp; không vượt quá 25% đối với người tốt nghiệp cao đẳng cùng nhóm ngành nghề từ cơ sở giáo dục chưa được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thời điểm tốt nghiệp.

“Việc giáo dục nghề nghiệp thuộc sự quản lý của Bộ GD-ĐT cùng với bậc đại học thì sẽ tạo thành một hệ thống thông suốt và có sự kết nối các bậc học với nhau. Vì thế, hy vọng thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra chính sách liên thông thuận lợi và thống nhất trên toàn hệ thống”, PGS-TS Nguyễn Tiến Đông, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ (Bắc Ninh), chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục