Do dịch Covid-19, việc tuyển dụng giáo viên ở TPHCM bị ảnh hưởng và hiện đang tiến hành gấp rút nhằm kịp bổ sung nhân sự cho các trường trước khai giảng năm học mới. Đây là năm thứ ba thành phố bỏ điều kiện hộ khẩu trong tuyển dụng viên chức nhằm nâng chất nguồn nhân lực. Tuy nhiên, tình trạng thừa, thiếu cục bộ vẫn xảy ra, không có nguồn tuyển giáo viên ở khu vực ngoại thành.
Thiếu nguồn giáo viên tiếng Anh, Tin học
Năm học 2020-2021, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) cần tuyển bổ sung 13 giáo viên và 1 nhân viên văn thư. Sau khi kế hoạch tuyển dụng được công bố, có 76 ứng viên nộp hồ sơ. Qua vòng thẩm định, 72 ứng viên tiếp tục được triệu tập tham gia vòng thi thực hành, kiểm tra năng lực về chuyên môn và nghiệp vụ. Đáng nói là dù số lượng hồ sơ đăng ký khá cao nhưng cán cân phân bổ nghiêng hẳn về một số môn như Toán (28 hồ sơ đăng ký/4 chỉ tiêu tuyển dụng), Hóa học (14 hồ sơ đăng ký/1 chỉ tiêu tuyển dụng), Vật lý (10 hồ sơ đăng ký/1 chỉ tiêu tuyển dụng).
Trong khi đó, môn tiếng Anh chỉ có 1 hồ sơ đăng ký, Tin học không có hồ sơ nào dù trường có nhu cầu tuyển dụng. Tương tự, tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức), cả 9 hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường này đều thuộc môn Toán, trong khi đó 2 môn tiếng Anh và Tin học dù có nhu cầu tuyển nhưng không có ứng viên nộp hồ sơ. Danh sách các trường “trắng” hồ sơ đăng ký 2 môn tiếng Anh và Tin học còn kéo dài với nhiều đơn vị toàn thành phố.
Ứng viên tham gia vòng thi thực hành xét tuyển giáo viên vào các trường THPT ở TPHCM năm học 2019-2020
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2020-2021, 3 trường THPT dẫn đầu số hồ sơ đăng ký tuyển dụng là THPT Linh Trung (102 hồ sơ), THPT Bình Chiểu (90 hồ sơ) và THPT Nguyễn Du (76 hồ sơ). Tuy nhiên, một thành viên hội đồng xét tuyển viên chức Trường THPT Linh Trung cho biết, trong 96 hồ sơ đủ tiêu chuẩn dự tuyển vòng 2 thì môn tiếng Anh chỉ còn 3 ứng viên trong khi nhu cầu tuyển dụng môn này là 4 người. Như vậy, khả quan nhất nếu tất cả ứng viên đều trúng tuyển thì trường vẫn thiếu giáo viên tiếng Anh. Tại Trường THPT Bình Chiểu, môn tiếng Anh được xác định ngay từ đầu là không đủ giáo viên do chỉ có 1 hồ sơ đăng ký trên tổng số 4 chỉ tiêu tuyển dụng.
Chia sẻ với PV Báo SGGP, phó hiệu trưởng một trường THPT ở quận Thủ Đức cho biết, khan hiếm nguồn tuyển giáo viên tiếng Anh và Tin học đã diễn ra gần 10 năm nay, các trường kiến nghị rất nhiều nhưng đến nay cơ quan quản lý vẫn lúng túng trong việc tháo gỡ. Nhà giáo này phân tích, cùng trình độ ngoại ngữ nhưng thu nhập từ các môi trường làm việc khác bên ngoài có thu nhập cao gấp nhiều lần trường công. Vì vậy, nếu chỉ trông chờ vào việc mở rộng đối tượng tuyển dụng với ứng viên không có hộ khẩu thành phố mà không có chính sách hỗ trợ căn cơ hơn về thu nhập thì bức tranh tuyển dụng vẫn thừa, thiếu cục bộ; trong đó 2 môn tiếng Anh và Tin học năm nào cũng “đói” giáo viên.
Nâng cao chất lượng giáo dục ngoại thành
Thống kê của Sở GD-ĐT TP cho thấy, năm nay nhiều trường THPT ở khu vực ngoại thành tiếp tục gặp khó trong tuyển dụng. Đơn cử, hàng loạt trường THPT như Thạnh An, Bình Khánh, An Nghĩa (huyện Cần Giờ), Củ Chi, Trung Lập, Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), Phước Kiển (huyện Nhà Bè)… có số lượng hồ sơ ứng viên xét tuyển thấp hơn chỉ tiêu đăng ký, cá biệt một số trường như THPT Cần Thạnh (huyện Cần Giờ), THPT An Nhơn Tây (huyện Củ Chi) không có ứng viên đăng ký. Phó hiệu trưởng một trường THPT ở huyện Củ Chi bày tỏ, điểm chuẩn đầu vào tuyển sinh lớp 10 của các trường khu vực ngoại thành nhiều năm trở lại đây không quá 20 điểm, trung bình mỗi môn thi học sinh đạt không quá 4 điểm. Trong khi đó, để thực hiện mục tiêu đầu ra mỗi năm có hơn 90% học sinh lớp 12 tốt nghiệp THPT đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải nỗ lực hơn các địa phương khác rất nhiều lần. Tuy nhiên, bài toán tuyển dụng và đãi ngộ giáo viên vẫn là câu hỏi khiến nhiều người trăn trở.
Mới đây, tại cuộc họp báo về tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, nhiều năm trở lại đây, để nâng cao chất lượng giáo dục ở các quận, huyện ngoại thành, sở đã đẩy mạnh hoạt động tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên nhằm kéo gần khoảng cách giữa nội thành và ngoại thành. Tuy nhiên, để tăng tính cạnh tranh và thu hút trong tuyển dụng giáo viên, đại diện các trường kiến nghị thành phố có thêm chính sách đầu tư, phát triển hạ tầng cơ sở như xây dựng trường lớp, đầu tư trang thiết bị, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở những địa phương này.
Năm học 2020-2021, tổng nhu cầu tuyển dụng giáo viên, nhân viên cho 103 trường THPT và trung tâm giáo dục trên địa bàn TPHCM là 495 người. Qua tổng kết hồ sơ, đã có 1.295 ứng viên dự tuyển. Kết quả kiểm tra vòng 1 về điều kiện, tiêu chuẩn tại phiếu đăng ký, có 1.191 hồ sơ đủ điều kiện tham gia vòng thi thực hành, kiểm tra năng lực về chuyên môn và nghiệp vụ. Dự kiến, kết quả xét tuyển sẽ công bố ngày 24-8. Ứng viên trúng tuyển nhận nhiệm sở từ ngày 1-9.