Gỡ khó trong sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập

Những khó khăn trong công tác sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập khiến TPHCM khó đạt các chỉ tiêu theo Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết 19) và ảnh hưởng đến kết quả cải cách hành chính của thành phố. TPHCM vừa nỗ lực thực hiện mục tiêu vừa đề xuất Trung ương các chính sách mới để gỡ khó trong công tác sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập.

Thách thức lớn

Nghị quyết 19 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) đặt ra mục tiêu đến năm 2025 giảm tối thiểu 10% ĐVSNCL và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Đồng thời, phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính.

D3a.jpg
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND TPHCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL giai đoạn 2018 - 2023. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Việc giảm đầu mối ĐVSNCL giai đoạn đến năm 2021, TPHCM cơ bản thực hiện đạt mục tiêu. Tuy nhiên, giai đoạn đến năm 2025 lại là thách thức lớn. Đặc biệt là trên lĩnh vực y tế, giáo dục khi TPHCM có dân số tăng nhanh, nhưng số trường lớp, cơ sở y tế phục vụ người dân hiện vẫn còn thiếu so với nhu cầu. Theo thống kê, trung bình 5 năm, TPHCM tăng 1 triệu dân, nghĩa là mỗi năm tăng khoảng 200.000 người (tương đương 4 phường có dân số 50.000 người).

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu, sau thời gian sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL, số trường, lớp hiện nay vẫn thiếu so với nhu cầu thực tế, do sự gia tăng dân số cơ học. Hiện Sở GD-ĐT phải đẩy mạnh mở rộng mạng lưới trường lớp để đảm bảo học sinh có chỗ học đầy đủ. Song, một số đơn vị sự nghiệp công lập sau khi thực hiện sáp nhập, giải thể, giảm các đầu mối dẫn đến dư số lượng cấp phó và việc bố trí công tác cho cán bộ, viên chức gặp khó khăn… Do đó, việc tiếp tục sắp xếp ĐVSNCL, tinh giản biên chế trong ngành giáo dục đang gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết, bên cạnh áp lực về số lượng người khám chữa bệnh tăng cao, ngành y tế cũng gặp khó khăn khi các ĐVSNCL chuyển sang đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1), tự đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 2). Bởi việc chuyển sang cơ chế tự chủ, yêu cầu công tác quản lý bệnh viện phải phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của bệnh viện.

Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể nên cũng ảnh hưởng đến việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL của ngành y tế. Ngoài ra, việc tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập phụ thuộc vào đề án sử dụng tài sản công, nhưng việc thông qua đề án diễn ra chậm, làm ảnh hưởng chung đến tiến độ thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp ĐVSNCL.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép

Đến cuối năm 2023, TPHCM còn 1.781 ĐVSNCL, gồm 33 đơn vị cấp thành phố; 316 đơn vị thuộc khối sở, ngành; 1.432 đơn vị khối quận, huyện, TP Thủ Đức. Việc phải tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm 10% đầu mối ĐVSNCL đến năm 2025 là thách thức rất lớn với TPHCM. Vì vậy, TPHCM vừa nỗ lực thực hiện vừa kiến nghị Trung ương có điều chỉnh cho phù hợp.

Tại các buổi làm việc với sở, ban, ngành, địa phương, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi gợi ý về việc sắp xếp các ĐVSNCL cùng lĩnh vực để giảm đầu mối. Như ngành giáo dục có thể nghiên cứu sắp xếp tổ chức các trường tiểu học, trung học riêng lẻ thành trường học nhiều cấp; hoặc có phương án sắp xếp công ty dịch vụ công ích các địa phương như thế nào cho hợp lý để giảm đầu mối.

Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL, khuyến khích mở rộng, đa dạng loại hình xã hội hóa không làm mất hoặc thu hẹp quyền lợi chính đáng của người dân trong việc thụ hưởng các dịch vụ công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa.

Chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng phương án tự chủ tài chính của đơn vị, làm cơ sở thực hiện kế hoạch sắp xếp ĐVSNCL trực thuộc giai đoạn 2024-2025 và 2026-2030 theo đúng quy định, đảm bảo mục tiêu đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL.

Tại các buổi giám sát sở, ngành, địa phương về cải cách tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Huỳnh Thanh Nhân chia sẻ với khó khăn của các cơ quan, đơn vị trong sắp xếp ĐVSNCL. Đặc biệt là ngành giáo dục phải đối diện với áp lực tăng 20.000 - 30.000 học sinh mỗi năm. Còn ngành y tế thì bình quân 1 năm, khám chữa bệnh cho 40 triệu lượt người. TPHCM gặp áp lực lớn về cơ sở vật chất và đội ngũ, nên đang đeo bám, kiến nghị Trung ương cho TPHCM tự chủ về mặt biên chế phù hợp với tình hình thực tiễn, quy mô dân số và dựa trên cả đóng góp ngân sách của TPHCM.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cũng kiến nghị Trung ương xem xét để có chính sách phù hợp với thực tiễn của thành phố. TPHCM xem trọng tính hiệu quả trong sắp xếp các ĐVSNCL là nỗ lực để giảm chi ngân sách, nhưng vẫn phục vụ tốt cho người dân.

Do đó, TPHCM kiến nghị Trung ương xem xét mục tiêu kép: giảm những đầu mối nhỏ lẻ nhưng đồng thời tăng tính tự chủ cho các đơn vị… Cụ thể là không tính tỷ lệ giảm 10% đầu mối các ĐVSNCL, đặc biệt là ở lĩnh vực giáo dục, y tế mà chỉ tính tỷ lệ nâng cao mức độ tự chủ cho các đơn vị. Việc này nhằm tạo điều kiện để các ĐVSNCL tự chủ về hoạt động, sắp xếp tổ chức và từng bước nâng cao mức tự chủ tài chính của các đơn vị để phục vụ người dân tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục