Tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, vốn tín dụng vẫn là nguồn vốn quan trọng tài trợ cho cả bên cung và bên cầu thị trường này. Tăng trưởng tín dụng BĐS năm 2022 cao hơn tăng trưởng tín dụng của cả nền kinh tế (14,7%). Trong nhiều năm, tỷ trọng cho vay BĐS luôn cao nhất trong nền kinh tế, chiếm từ 19%-21%.
Theo đại diện NHNN, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp BĐS và ngân hàng là quan hệ cộng sinh, chính vì vậy NHNN sẽ lắng nghe các giải pháp khơi thông vốn cho thị trường BĐS trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho cả hai phía.
Thực tế, thời gian qua, do dịch Covid-19 và vấn đề pháp lý làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, cùng với đó là thị trường bị chi phối bởi phản ứng tâm lý của nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp đối với các chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng đã khiến tất cả các hoạt động trong lĩnh vực BĐS bị ngưng trệ. Bên cạnh đó, nội tại thị trường BĐS cũng phát sinh một số vấn đề bất cập như mất cân đối cung cầu, sốt đất cục bộ, thiếu hụt nguồn cung tại phân khúc nhà ở phù hợp với nhu cầu thực của đại đa số người dân, nhất là nhà ở xã hội.
Tại hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp BĐS đã đề xuất ngân hàng cho vay vốn, xem xét phương án cho vay với loại hình condotel (căn hộ khách sạn), tháo gỡ ách tắc pháp lý thị trường.
Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes (thuộc Tập đoàn Vingroup) chỉ ra 3 vướng mắc với các doanh nghiệp BĐS hiện nay là mục đích vay vốn, lãi suất vay và tài sản đảm bảo. Vị này dẫn chứng, riêng về vấn đề vay vốn, trong khi doanh nghiệp BĐS triển khai dự án, nhiều chi phí phát sinh và phải vay bù đắp chi phí bỏ ra trong quá trình triển khai dự án song vẫn khó được giải ngân. Do đó, doanh nghiệp đề nghị bổ sung cơ chế chính sách đặc thù cho các nhà đầu tư lớn, các dự án có đầy đủ pháp lý mang tính trọng điểm, tránh tình trạng “cào bằng”. Đồng thời, cơ quan quản lý cần có biện pháp giảm dần lãi suất để hỗ trợ khả năng tài chính cho người dân và chủ đầu tư.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn SunGroup cũng mong muốn NHNN có cơ chế riêng cho BĐS du lịch. Theo đại diện SunGroup, nhiều nước xem BĐS du lịch là ngành sản xuất kinh doanh nằm trong lĩnh vực ưu tiên chứ không phải hạn chế, kiểm soát chặt chẽ. Điều này sẽ tháo gỡ những vấn đề về vốn vay, lãi suất.
Một vấn đề khác cũng được doanh nghiệp BĐS đề nghị NHNN tháo gỡ là cho phép được tái cấu trúc nợ. Bà Vũ Thị Phương Lan, Giám đốc phụ trách tái cấu trúc của Tập đoàn Novaland, cho biết, doanh nghiệp đã làm việc với chủ nợ là các tập đoàn quốc tế về vấn đề tái cấu trúc nợ và các tập đoàn quốc tế chấp thuận phương án cơ cấu lại các khoản nợ cho phù hợp hơn với tình hình đang diễn ra ở Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp không rơi vào tình trạng vỡ nợ hay vi phạm, vi phạm chéo các khoản vay. Tuy nhiên, khi tạm thời thỏa thuận xong với các chủ nợ quốc tế, doanh nghiệp lại gặp khó khăn khi làm việc với các chủ nợ trong nước.
Do đó, bà Vũ Thị Phương Lan đề xuất NHNN xem xét cho các tập đoàn BĐS được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong thời gian từ 24-36 tháng. Bổ sung ý kiến về vấn đề tái cấu trúc nợ cho doanh nghiệp BĐS, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho rằng, hiện nay một số doanh nghiệp BĐS đã bị nhảy nhóm nợ. Do đó, NHNN cần nới thêm tín dụng với các dự án vướng nợ nhóm 2 và 3 nếu dự án triển khai khả thi và có tài sản đảm bảo thay vì siết chặt như hiện nay.
Trước các ý kiến đề xuất doanh nghiệp BĐS, đại diện NHNN cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho các ngành, lĩnh vực kinh tế, trong đó có lĩnh vực BĐS tăng trưởng, phát triển ổn định, bền vững.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật tín dụng và hoạt động ngân hàng phù hợp với tình hình thực tiễn để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, trong đó có lĩnh vực BĐS.