Gỡ khó thủ tục cho doanh nghiệp FDI

Theo đánh giá của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với những yếu tố thuận lợi như quy mô thị trường lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi, TPHCM đang là “điểm đến” hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Và nếu các thủ tục hành chính được cải thiện sẽ tăng sức hút đầu tư hơn.

Thủ tục vẫn rườm rà

 Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội DN các Khu Chế xuất - Khu Công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM cho rằng, tính “e ngại” của các DN FDI thể hiện rõ trong chỉ số cạnh tranh về môi trường đầu tư giữa TPHCM với các tỉnh: TPHCM đã xuống hạng 14/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, bà Hồ Thị Thu Uyên, Chi hội trưởng Chi hội DN Khu Công nghệ cao, đồng thời là Giám đốc đối ngoại của Intel Việt Nam, nói: nhiều quy định pháp luật gần đây tại TPHCM đã và đang bị thay đổi theo hướng đi ngược từ “một cửa” trở lại cơ chế “nhiều cửa”. Hiện nay, thẩm quyền giải quyết tùy theo lĩnh vực mà được chuyển phân tán về cho các cơ quan chức năng chuyên môn, thay vì tập trung tại Ban Quản lý KCX-KCN hoặc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM. Các bước thẩm định của các đơn vị này nhìn chung mang nặng tính hành chính, góp phần kéo dài thời hạn giải quyết thủ tục. Từ đó, dẫn tới những ảnh hưởng cho DN như thời gian chờ đợi lâu, đội vốn chi phí dự án do yếu tố lãi suất, lạm phát và ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án đầu tư sản xuất, chế tạo… Đơn cử, cũng là nội dung “Điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/2000”, nhưng với KCX Linh Trung 3 (tại tỉnh Tây Ninh) chỉ trong 2 tháng là có giấy phép, còn với KCX Linh Trung 1 và 2 (tại TPHCM) thì hơn 2 năm vẫn chưa có giấy phép.

“Một số DN có nhu cầu xây dựng thêm hạng mục dịch vụ nhỏ hay công trình phụ trợ như ki ốt, mái che, khu vực để xe, nhà vệ sinh, nhà chuyển tiếp chất thải công nghiệp... để đáp ứng nhu cầu chính đáng cho người lao động và tiến độ sản xuất nhưng gặp nhiều khó khăn. Nguyên do là Ban Quản lý Khu Công nghệ cao phải lấy ý kiến Thanh tra Sở Xây dựng, thậm chí Sở QH-KT và chính quyền địa phương trước khi chấp thuận. Do vậy, phải mất đến 2 năm nhưng nhiều DN vẫn chưa được cấp phép để triển khai”, bà Hồ Thị Thu Uyên cho biết. 

Gỡ khó thủ tục cho doanh nghiệp FDI ảnh 1 Giờ tan tầm của công nhân tại KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Một trường hợp khác, Công ty CP Đầu tư - Thương mại Sunshine Tech - chi nhánh TPHCM làm thủ tục đổi tên là Công ty Unicloud - chi nhánh TPHCM, nhưng đã 2 năm vẫn chưa nhận được giấy phép đầu tư mới.

Cá biệt hơn, bà Phạm Thị Thanh Thủy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sacom-Chíp Sáng (SCS), cho biết, công ty được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2010, trong đó nêu rõ DN được ưu đãi thuế thu nhập DN. Tuy nhiên, đến hiện tại đã 12 năm, Công ty SCS không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN.

Xuất khẩu mỗi năm gần 30 tỷ USD
Hiện có hơn 1.500 DN đang hoạt động tại các KCX-KCN và Khu Công nghệ cao TPHCM. Trong đó có hơn 500 DN FDI (đầu tư 100% nước ngoài) của hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 350.000 công nhân lao động, hàng chục ngàn chuyên gia, kỹ sư, kỹ thuật viên trong và ngoài nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm gần 30 tỷ USD - đóng góp rất lớn cho sự tăng trưởng của thành phố. Do vậy, những thủ tục hành chính liên quan đến điều chỉnh đầu tư, hạ tầng, xây dựng, nhân sự, tài chính... rất cần có sự hỗ trợ và kịp thời giải quyết từ các cơ quan chức năng liên quan để giúp DN ổn định đầu tư và mở rộng sản xuất, đảm bảo thực hiện mục tiêu kinh doanh phát triển bền vững tại Việt Nam.

Phối hợp giải quyết thủ tục hành chính

Hiện TPHCM có 18 KCX-KCN và Khu Công nghệ cao. Quỹ đất tại các khu này còn nhiều nhưng tồn tại ở hình thái “da beo”; những KCN mới quy hoạch thì chưa đi vào hoạt động. Do đó, với những DN FDI cần quỹ đất lớn (khoảng 10ha trở lên) sẽ rất khó đáp ứng. Chưa hết, chi phí thuê đất tại các KCX-KCN, Khu Công nghệ cao TPHCM khá cao nhưng tỷ lệ cho phép xây dựng lại thấp. Cụ thể, Quyết định số 5625/QĐ-UBND của UBND TPHCM về duyệt đồ án quy hoạch chi tiết Khu Công nghệ cao giai đoạn 2 tỷ lệ 1/2000 quy định mật độ xây dựng cho sản xuất tối đa là 50%, thay vì 70% như áp dụng cho KCN Sóng Thần, KCN Vietnam Singapore (VSIP). Như vậy, có thể thấy sự chênh lệch đáng kể giữa Khu Công nghệ cao và các KCN của TPHCM với các địa phương lân cận, làm giảm lợi thế cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư của DN. Ngoài ra, quy định này cũng dẫn đến việc DN gặp rất nhiều khó khăn khi muốn xây dựng công trình phụ trợ cho nhà máy, cơ sở sản xuất. 

Về giải pháp, ông Nguyễn Văn Bé cho rằng, TPHCM cần nhìn thẳng vào sự thật, thủ tục hành chính chưa thuận lợi một phần do yếu tố khách quan nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan là quá trình thực thi của các cơ quan chức năng. Do vậy, để khắc phục vấn đề này, các DN kiến nghị UBND TPHCM và cơ quan thẩm quyền cho phép Ban quản lý KCX-KCN, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao tiếp tục giữ vai trò cơ quan một cửa để có thể hỗ trợ DN nhanh chóng hơn. Trước mắt, ban quản lý và các cơ quan, sở, ngành phải có sự thống nhất, tiếp nối, phối hợp giải quyết nhanh nhất các thủ tục hành chính; phải có hướng dẫn chi tiết, nhất quán về thủ tục, thẩm quyền, đầu mối tiếp nhận để tránh lặp lại tình trạng chậm trễ phê duyệt các thủ tục. Mặt khác, TPHCM cần tính lại quy định về mật độ xây dựng cho phép phù hợp với thực tế, kết hợp kiểm soát mức độ tăng giá cho thuê mặt bằng tại các KCX-KCN, khu công nghệ cao. Bởi giá thuê đất đang có xu hướng tăng do hệ số điều chỉnh giá đất đề xuất tăng.

* Ông Leif Schneider, Trưởng Tiểu ban Pháp luật, Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham): Cần cải thiện hạ tầng, tạo sự minh bạch

TPHCM liên tục đứng đầu về số liệu đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với con số là 3,74 tỷ USD vào năm 2021. Một làn sóng nhà đầu tư mới đang đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài, và TPHCM có vị trí tốt để thu hút thị phần đầu tư này. Tuy nhiên, các dự án đầu tư nước ngoài vẫn còn gặp khó khăn khi áp dụng quy định, quy tắc và thủ tục tại Việt Nam. Đặc biệt, nhà đầu tư thường phải đối mặt với thời gian không xác định của các thủ tục cấp phép hoặc phê duyệt M&A. 

Bên cạnh đó là yếu tố con người, Việt Nam có những ưu thế về lực lượng lao động lớn với chi phí tương đối thấp. Nhưng với trình độ học vấn tổng thể chưa cao, khó khăn trong quá trình giao tiếp bằng ngoại ngữ, đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình làm việc. Trong khi đó, yếu tố con người được xem là tiên quyết, thị trường lao động của Việt Nam sẽ phải thích ứng với yêu cầu ngày càng cao trong giáo dục và đào tạo. Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng trong nước để hỗ trợ việc phát triển các hoạt động thương mại và sản xuất đang gia tăng trong vùng đô thị. Đồng thời, chính quyền cần chủ động trong việc giao tiếp với các nhà đầu tư để tạo sự minh bạch, có thể biến “băng đỏ” - rào cản, thành “thảm đỏ” - ưu đãi đầu tư.

VĂN DIỆU ghi


Hơn 430 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Ngày 15-9, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) và Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp tổ chức Diễn đàn Hỗ trợ đầu tư và tổng kết chuỗi sự kiện xúc tiến đầu tư năm 2022. 

Theo TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế, trong khối ASEAN, từ năm 2015, Việt Nam đã vượt qua Malaysia để trở thành nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực, sau Singapore và Indonesia. Việt Nam cũng thuộc số ít quốc gia trong khối ASEAN duy trì được dòng vốn FDI ổn định qua nhiều năm. Trong năm 2021, FDI đăng ký đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020 và FDI thực hiện đạt 19,74 tỷ USD. Khu vực FDI xuất siêu (tính cả dầu thô) là 28,5 tỷ USD, trong khi khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu trên 25,5 tỷ USD. 


Tính đến tháng 8-2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,8 tỷ USD, bằng 87,7% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế đến ngày 20-8, cả nước có 35.539 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 430 tỷ USD, bằng 61,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. 


Để đảm bảo việc thực hiện đầu tư hiệu quả, đại diện các hiệp hội nước ngoài đề nghị, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ hoàn thiện luật pháp, chính sách; rà soát, đánh giá các dự án đang hoạt động. Từ đó, xây dựng chiến lược, định vị lại lợi thế của Việt Nam, chú trọng điều chỉnh hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, thể hiện tính liên ngành, liên vùng, gắn với thị trường, đối tác đầu tư và dự án cụ thể.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục