Nhu cầu lớn
Từ năm 2000 đến nay, dân số toàn tỉnh Bình Dương đã tăng hơn 1,6 triệu người, với mức tăng trung bình khoảng 84.000 người/năm, trong đó phần lớn là người nhập cư. Hiện tỷ lệ người lao động nhập cư phải thuê/mướn nhà ở cao nhất cả nước (74,5%). Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 17 dự án và 1 đề án NƠXH được đầu tư với diện tích đất khoảng 132ha.
Tính đến năm 2021, tỉnh đã kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng được khoảng hơn 1,8 triệu m2 sàn nhà ở. So với nhu cầu về nhà ở của công nhân, người có thu nhập thấp thì kết quả đạt được còn khá hạn chế. Tại tỉnh Đồng Nai, hiện tổng số lao động tại các KCN có nhu cầu về chỗ ở khoảng 410.597 người, nhưng các dự án NƠXH mới đáp ứng khoảng 6,5% nhu cầu.
Theo kế hoạch đến năm 2025, Đồng Nai có thêm 3 KCN (hiện có 31 KCN đang hoạt động) hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động, thu hút khoảng 56.700 lao động. Như vậy trong 3 năm nữa, sẽ có khoảng 450.000 người lao động tại các KCN có nhu cầu về chỗ ở. Để đáp ứng nhu cầu này, năm 2022, Tỉnh ủy Đồng Nai ban hành Nghị quyết số 07/NQ/TU ngày 22-8-2022 với mục tiêu giai đoạn 2021-2025 thực hiện 10.000 căn NƠXH. Ngay sau khi chủ trương được ban hành, các địa phương trình hồ sơ 10 dự án quy mô 13.000-15.000 căn hộ nhưng đến nay mới có 3 dự án được tỉnh Đồng Nai phê duyệt với quy mô tổng cộng khoảng hơn 2.000 căn.
Thúc đẩy tháo gỡ vướng mắc
Những vướng mắc, khó khăn trong phát triển NƠXH, nhà ở công nhân đã được các tỉnh nhận diện là: trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua bán loại hình nhà ở này phức tạp và kéo dài, nhất là được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn; các đối tượng mua NƠXH phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định...
Ngoài ra, theo doanh nghiệp bất động sản, việc xác định giá nhà trước khi bán, cho thuê, cho thuê mua đối với NƠXH sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định, cũng gây kéo dài thời gian; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư chưa thực sự hấp dẫn, nhất là việc khống chế lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án đối với trường hợp bán NƠXH không được vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư; đối với NƠXH để cho thuê, cho thuê mua thì lợi nhuận không được quá 15% tổng chi phí đầu tư… Để đạt được mục tiêu đề án phát triển NƠXH giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 là xây dựng thêm khoảng hơn 25,2 triệu m2 sàn, tương đương khoảng 190.966 căn nhà, tỉnh Bình Dương đề ra các giải pháp từng bước gỡ khó.
Cụ thể, ngay khi đề án phát triển NƠXH được phê duyệt, ngành chức năng sẽ triển khai rà soát lại các quy hoạch làm cơ sở xây dựng Kế hoạch phát triển NƠXH đến năm 2025 và hàng năm; hoàn thiện các cơ chế chính sách để khuyến khích đầu tư, đẩy mạnh hình thức xây dựng NƠXH để cho thuê. Về quỹ đất, tỉnh tính toán sắp xếp ưu tiên sử dụng đất do các doanh nghiệp nhà nước đang trực tiếp quản lý và các khu đất có từ việc di dời các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TP Thuận An, Dĩ An và lân cận các KCN để phát triển NƠXH.
Còn theo kế hoạch phát triển NƠXH đến năm 2025, Đồng Nai dành quỹ đất cho NƠXH tại các huyện, thành phố là 700ha (chưa kể quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại). Nhằm thúc đẩy phát triển NƠXH, tỉnh Đồng Nai yêu cầu UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, làm cơ sở kêu gọi đầu tư. So với mục tiêu đề ra, công tác lập hồ sơ chủ trương đầu tư NƠXH của một số địa phương chưa đạt yêu cầu do vướng mắc về mặt pháp lý như phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn dự án...
Hiện mới có 5 địa phương trình hồ sơ chủ trương đầu tư là TP Biên Hòa và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu. Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai kiến nghị, đối với các khu đất đã đủ điều kiện lập hồ sơ chủ trương đầu tư, UBND các địa phương khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình Sở KH- ĐT thẩm định, phê duyệt, làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án NƠXH, tránh lãng phí ngân sách nhà nước, UBND các địa phương không tổ chức lập quy hoạch chi tiết 1/500 của các dự án khi chưa xác định chọn nhà đầu tư dự án (chủ đầu tư dự án có trách nhiệm lập, thẩm định và trình duyệt quy hoạch 1/500 theo quy định).
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, tỉnh đã giao UBND các huyện, thị, thành phố phối hợp sở xây dựng rà soát lại các địa điểm phát sinh, lên danh sách các địa điểm đất chuyển đổi công năng làm dự án NƠXH, đồng thời thành lập tổ chỉ đạo xem xét từng dự án NƠXH và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ.