Kết quả bước đầu
Bà Phan Thị Dạ Thảo, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Long An cho biết, sau thời gian tích cực triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” của Chính phủ, đến nay Long An đạt một số kết quả ban đầu về các chỉ tiêu: đạt tỷ lệ trường THCS có chương trình GDHN gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; đạt tỷ lệ trường THPT có chương trình GDHN gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; đạt tỷ lệ trường THCS có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ và tỷ lệ trường THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ…
Có được kết quả trên, theo bà Phan Thị Dạ Thảo, quá trình triển khai thực hiện đề án, các cấp ủy, UBND các cấp quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo. Bên cạnh đó, ngành giáo dục còn nhận được sự hỗ trợ, phối hợp của cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều phía, khi các trường tổ chức hoạt động liên quan công tác tư vấn hướng nghiệp, đông đảo học sinh, phụ huynh, chuyên gia cùng tham gia. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhiệt tình, luôn rèn luyện, tìm tòi học hỏi trong công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh. Ngoài ra, xuyên suốt quá trình thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, ngành giáo dục tỉnh Long An cũng nhận được sự hỗ trợ, phối hợp của Trường Cao đẳng Long An và các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh. Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Long An nhìn nhận, trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển mạnh, tại Long An có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến đầu tư đã mở ra nhiều cơ hội việc làm sinh viên, học sinh tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng. Trên thực tế, nhiều sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp ra trường xin được việc làm ổn định, có thu nhập cao.
Tháo gỡ khó khăn, hạn chế
Theo Sở GD-ĐT Long An, bên cạnh những thuận lợi, quá trình thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” phát sinh nhiều khó khăn, hạn chế cần tháo gỡ. Đơn cử, một số địa phương chưa có trường dạy nghề, ảnh hưởng một phần đến công tác phân luồng sau tốt nghiệp THCS, THPT. Ngành nghề đào tạo của trường nghề ở tỉnh chưa phong phú, không có nhiều cơ hội cho các em lựa chọn, không có nghề các em đam mê, đặc biệt là nghề dành cho nữ… Một bộ phận học sinh, cha mẹ học sinh chưa quan tâm đến công tác phân luồng sau THCS, THPT; chưa quan tâm hướng đi cho con em mình sau tốt nghiệp THCS, không muốn cho con em tiếp tục học THPT hay học nghề mà lao động tự do để có thu nhập phụ giúp gia đình; tâm lý lo sợ con em đi học xa, không quản lý được sẽ bị cám dỗ rơi vào tệ nạn xã hội. Học sinh chưa nhận thức đúng cho hướng đi trong tương lai, cùng với hoàn cảnh kinh tế gia đình nên phải đi lao động, làm thuê phụ giúp gia đình sau khi tốt nghiệp. Do đó các đơn vị trường học không có điều kiện gặp gỡ để trao đổi, vận động các em. Bên cạnh đó, một số ít học sinh chưa nhận thức đúng cho hướng đi trong tương lai nên việc lựa chọn ngành, nghề chưa được dứt khoát; còn tình trạng thay đổi vào giai đoạn cuối của năm học lớp 12 nên các em chưa đầu tư sâu cho các môn thuộc khối thi ngay từ đầu. Một số học sinh có chất lượng học tập thấp, mức độ đầu tư, động cơ học tập còn hạn chế nên chưa đủ khả năng học lên cấp THPT, học nghề…
Tập trung triển khai 10 nhóm giải pháp
Theo kế hoạch của tỉnh Long An, để thực hiện hiệu quả Đề án “Giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” năm 2024, thời gian tới, ngành giáo dục tỉnh chú trọng vào 10 nhóm giải pháp. Thứ nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, nhân dân; nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác GDHN, phân luồng học sinh và giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Thứ hai, đẩy mạnh tổ chức truyền thông, tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác GDHN, định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông và đào tạo nghề. Đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai thực hiện Kế hoạch số 1251/KH-UBND ngày 19-4-2024 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 71-CT/TU ngày 19-3-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Bộ Chính trị về “Công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” trên địa bàn tỉnh Long An. Tiếp tục định hướng học sinh tốt nghiệp THPT (có nơi thường trú tại tỉnh Long An) tham gia học nghề trình độ cao đẳng theo hình thức chính quy với các ngành, nghề tại Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 12-7-2023 của HĐND tỉnh về đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đẳng từ khóa tuyển sinh năm học 2023-2024 đến năm học 2025-2026 để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thứ ba, là đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thứ tư, là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn trong cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tạo tiền đề thuận lợi cho công tác phân luồng, hướng nghiệp. Thứ năm, tổ chức có hiệu quả các hoạt động giáo dục hướng nghiệp gắn với các hoạt động trải nghiệm thực tiễn, gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương. Thứ sáu, các cơ sở giáo dục (có cấp học trung học phổ thông) phối hợp các trường đại học, cao đẳng tổ chức tư vấn tuyển sinh cho học sinh. Thứ bảy, tăng cường phối hợp giữa các cơ sở giáo dục với các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các công ty, doanh nghiệp và làng nghề truyền thống. Thứ tám, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn, hướng nghiệp và phân luồng học sinh. Thứ chín, vận động các nguồn lực để tăng nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh. Cuối cùng là tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Thực hiện đúng quy định về chế độ thông tin, báo cáo.
Theo Luật Giáo dục, phân luồng trong giáo dục là biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục trên cơ sở thực hiện hướng nghiệp trong giáo dục, tạo điều kiện để học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục học ở cấp học, trình độ cao hơn hoặc theo học giáo dục nghề nghiệp hay tham gia lao động phù hợp với năng lực, điều kiện cụ thể của cá nhân và nhu cầu xã hội, từ đó góp phần điều tiết cơ cấu ngành, nghề của lực lượng lao động phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy GDHN vẫn còn tách biệt, chưa thật sự “khớp” với giáo dục phổ thông. Đây là nguyên nhân quan trọng trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân luồng học sinh sau THCS chưa đạt như kỳ vọng. Bởi phân luồng học sinh có ý nghĩa quan trọng, giúp các em lựa chọn hướng đi phù hợp năng lực, sở trường, nguyện vọng, nhu cầu xã hội sau tốt nghiệp THCS và THPT, đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu nhân lực, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, đại đa số phụ huynh và học sinh mong muốn có bằng cấp, ít nhất là bằng THPT, rồi sau đó có thể học lên đại học, học nghề, xuất khẩu lao động hoặc tham gia trực tiếp lao động.