Gặp khó vì thiết bị VMS
Sau chuyến biển ở quần đảo Trường Sa trở về cảng cá Quy Nhơn, lão ngư Mai Trường, thuyền trưởng tàu cá BĐ 96986 TS, phường Hoài Thanh (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) rầu rĩ vì thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu liên tục bị gián đoạn, mất tín hiệu.
Ông Trường giãi bày, tàu của ông dài 20m, công suất 705CV, lắp đặt thiết bị VMS của VNPT để đánh bắt xa bờ. Năm 2024, tàu ông hoạt động chủ yếu ở ngư trường quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, liên tiếp 2 chuyến biển tháng 4 và 5-2024, tàu bị mất kết nối VMS 2 lần (ngày 16-4 và 21-5), lỗi do nhà mạng. Do đánh bắt cách biên giới biển 7 hải lý nên tàu ông Trường bị nghi ngờ tắt thiết bị VMS để vượt biên sang vùng biển nước ngoài đánh cá trộm.
“Về cảng cá, tôi phải làm 2 đơn giải trình về sự cố mất kết nối VMS. Lỗi thì ở nhà mạng nhưng ngư dân lại lãnh chịu. Giờ 2 chuyến biển của chúng tôi không xác nhận được nguồn gốc nguyên liệu hải sản, không đủ điều kiện hưởng chính sách liên quan. Trong khi chúng tôi thuê bao, trả phí 250.000 đồng/tháng, nhiều khi trả 500.000 - 1.000.000 đồng/tháng nếu dùng nhiều”, ông Trường nói.
Theo Ban quản lý cảng cá Quy Nhơn, trong các tháng 4 và 5-2024, có gần 150 tàu cá về cảng này gặp sự cố mất kết nối VMS, đều do lỗi từ vệ tinh, nhà mạng. Trong tháng 4-2024, sự cố này xảy ra trên 28 tỉnh, thành phố ven biển cả nước khiến nhiều ngư dân rất bức xúc. Trước đó, ngư dân Nguyễn Ngọc Thiên, chủ tàu QT 96869 TS, ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị, đã phản ánh đến PV Báo SGGP về việc tàu của anh mất kết nối VMS từ ngày 16-4 nên bị thiệt hại trên 100 triệu đồng do đã chuẩn bị nhưng không vươn khơi được và các khoản nợ lãi ngân hàng khi nằm bờ dài ngày.
Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, nhiều ngư dân đang khốn đốn vì thiết bị ICom VX-1700 - thiết bị giám sát hành trình tàu cá duy nhất được các cơ quan chức năng chọn làm cơ sở xem xét hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển. Thiết bị này hiện đã quá cũ kỹ, lạc hậu, nhiều ngư dân bị mất thiết bị hoặc thiết bị hư hỏng nhưng không tìm mua được thiết bị mới nên đành bán tàu.
Ngư dân Huỳnh Ngọc Sum (xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) phản ánh, ngư dân nhắn tin về bờ nhưng liên tục trục trặc, tin nhắn không đến được trạm bờ dẫn đến thiếu tin nhắn. Trong khi theo quy định, phải đủ 15 tin nhắn ngoài khơi thì mới đủ điều kiện nhận các khoản hỗ trợ.
Trăm khổ đổ cảng cá
Tại Phòng điều hành cảng cá Quy Nhơn, ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý cảng cá tỉnh Bình Định, “vò đầu bứt tóc” bởi tình cảnh “trăm dâu đổ đầu tằm”. Cảng cá là đơn vị tự chủ, nhân lực ít ỏi, nhưng cán bộ, nhân viên gần như gồng mình để làm đủ thứ việc không tên, không lương.
“Chúng tôi phải làm chặt chẽ các hồ sơ, thủ tục nên ngư dân dè chừng, né cảng khó tìm cảng dễ để bán hải sản. Ngoài ra, gần như 80% công việc của cảng cá là quản lý nhà nước, trong khi nhân lực quá mỏng”, ông Thiện than thở.
Vừa qua, sự cố mất kết nối VMS toàn quốc do lỗi từ nhà mạng, càng khiến Ban quản lý cảng cá Bình Định lúng túng. Hiện có rất nhiều hồ sơ xác nhận nguyên liệu thủy sản qua cảng cá Quy Nhơn bị “treo”, có hồ sơ kéo dài gần 1,5 tháng chưa được ngành thủy sản hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ...
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, cho biết, hiện tỉnh có 170 tàu cá dưới 15m hoạt động thường xuyên ở các ngư trường các tỉnh phía Nam, chủ yếu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có nguy cơ cao đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài. “Trước mắt, chúng tôi vận động các tàu này lắp đặt thiết bị VMS, hỗ trợ 50% cho các ngư dân lắp đặt thiết bị để kiểm soát các tàu này”, ông Nghĩa nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, khó khăn lớn nhất là việc giám sát tàu cá hoạt động ngoài tỉnh. Những tàu cá này thường không trở về các cảng cá đủ điều kiện để truy xuất nguồn gốc hải sản mà chọn về các luồng lạch, cảng cá chưa quy hoạch để bán hải sản tư nhân nhằm “né” thủ tục, xác nhận. Khi các tàu cá này ngắt kết nối VMS thì rất khó xác định, nắm bắt vị trí để theo dõi.
Theo tìm hiểu, nhiều tỉnh, thành phố miền Trung đang bắt đầu ứng dụng phần mềm dùng chung cài đặt trên điện thoại để tích hợp các công đoạn từ khai thác trên biển đến quản lý địa phương và xuất khẩu thủy sản (gọi tắt là eCDT). Tuy nhiên, theo phản ánh của các cảng cá, eCDT chỉ sử dụng hệ điều hành Android, còn các hệ điều hành khác như iOS (iPhone) không cài đặt, sử dụng được.
Đối với sự cố mất kết nối thiết bị VMS đồng loạt trên 28 tỉnh, thành phố ven biển, trước đó, VNPT đã có thông báo rằng lỗi do vệ tinh Thuraya 3 làm ảnh hưởng đến dịch vụ VNPT-VSS.
Giữa tháng 5-2024, Cục Thủy sản có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT yêu cầu các Sở NN-PTNT và VNPT thông báo, hướng dẫn các chủ tàu, thuyền trưởng thực hiện các giải pháp tạm thời. Các chủ tàu, thuyền trưởng cần sử dụng các thiết bị hàng hải, thông tin thay thế để báo cáo sự cố về Chi cục Thủy sản 6 giờ/lần. Khuyến khích các chủ tàu cá trang bị mới thiết bị VMS của các nhà cung cấp khác theo quy định...