Mạnh dạn gỡ rối
Bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT), cho biết để giải quyết những khó khăn, bất cập còn tồn tại trong hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non tại khu vực có KCX-KCN, Bộ GD-ĐT tập trung xây dựng chính sách hỗ trợ 3 nhóm đối tượng chính, gồm: trẻ em là con công nhân, người lao động đang làm việc, theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non; doanh nghiệp (DN) sử dụng nhiều lao động, DN đầu tư xây dựng trường và chủ các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, mầm non độc lập tư thục; giáo viên đang làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.
Theo đó, Bộ GD-ĐT đề xuất mức hỗ trợ chi phí học tập là 100.000 đồng/trẻ/tháng và hỗ trợ ăn trưa bằng 10% mức lương cơ sở/trẻ/tháng đối với các trẻ là con công nhân, người lao động phổ thông làm việc tại các KCX-KCN đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.
Ngoài ra, các DN sử dụng lao động có thể có chính sách đặc thù. Trong đó, các khoản chi cho hoạt động giáo dục mầm non của DN được tính vào chi phí được khấu trừ khi xác định thuế thu nhập DN. Đối với DN sử dụng nhiều lao động có đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non, cơ quan chủ quản có thể đề xuất áp dụng chính sách đặc thù, như: được ưu tiên thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, miễn tiền thuê đất trong suốt thời gian hoạt động, ưu đãi vay vốn tín dụng và hỗ trợ đầu tư. Riêng đối với đội ngũ giáo viên, được đề xuất hỗ trợ 50% mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, hoặc hàng tháng hỗ trợ một khoản thu nhập bằng 50% mức lương cơ sở/người/tháng.
Theo TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM, đến nay mới bàn chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại các KCX-KCN tuy hơi muộn nhưng không thể không làm. TS Huỳnh Văn Sơn kiến nghị Bộ GD-ĐT dự báo trước những khó khăn, tác động xã hội khi thực hiện các giải pháp hỗ trợ.
Còn theo đại diện nhiều trường mầm non, chính sách hỗ trợ hiện nay mới tập trung chăm lo đội ngũ trực tiếp giảng dạy là giáo viên. Trong khi đó, hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non cần sự phối hợp của nhiều lực lượng hỗ trợ khác như cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ, cấp dưỡng, y tế, bảo vệ, nhưng các nhóm đối tượng này chưa được quan tâm đúng mức.
Giải bài toán thu nhập cho giáo viên
Theo bà Lữ Thị Đông, chủ đầu tư kiêm Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Long (quận 7), hiện nay thu nhập của giáo viên mầm non mới ra trường tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa đến 5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nếu làm việc ở các cơ sở công lập, giáo viên sẽ được nhận thêm các khoản phụ cấp, thu nhập tăng thêm nên tổng thu nhập cao hơn. Thực tế này khiến chủ các cơ sở ngoài công lập chịu áp lực lớn về cạnh tranh thu nhập để giữ chân giáo viên.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh cũng đánh giá giáo viên mầm non hiện nay đang chịu rất nhiều thiệt thòi và áp lực. Trong đó, ngoài việc phải làm việc với cường độ lao động trung bình 10 giờ/ngày, công việc còn đòi hỏi các cô thường xuyên túc trực bên trẻ, không có thời gian nghỉ ngơi. Đặc biệt, với đặc thù thời gian làm việc theo ca kíp, phụ huynh là công nhân, người lao động đang làm việc tại các KCX-KCN có nhu cầu gửi trẻ ngoài giờ khiến áp lực tăng thêm đối với giáo viên mầm non.
Trước thực tế trên, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM), kiến nghị tăng thêm biên chế giáo viên đối với các cơ sở giữ trẻ ngoài giờ. Cụ thể, thay vì định biên 2 giáo viên/lớp, cần bổ sung thêm mỗi lớp một giáo viên để các cô bố trí công việc theo kiểu lệch ca, đảm bảo luôn có đủ 2 giáo viên/lớp, kể cả thời gian giữ trẻ ngoài giờ.
Ông Vũ Đức Minh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa giáo - Văn xã (Văn phòng Chính phủ), cho rằng đề xuất nâng lương, bổ sung thêm các chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non cần được tính toán, đặt trong bối cảnh cân đối quyền lợi và nhu cầu của giáo viên các bậc học khác. Ngoài ra, mỗi địa phương có các đặc thù riêng về kinh tế, điều kiện cơ sở vật chất trường lớp, nên cần đưa ra các giải pháp quản lý và phát triển phù hợp.
Việc chăm lo giáo dục mầm non cho con em tại các KCX-KCN là rất cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, cụ thể là Bộ GD-ĐT, đại diện nhiều địa phương kiến nghị cần “luật hóa” trách nhiệm của các DN, tránh việc chỉ vận động, kêu gọi khiến hiệu quả không như mong đợi.
Theo thống kê của Bộ KH-ĐT, cả nước hiện có 326 KCX-KCN đang hoạt động, phân bổ tại 61/63 tỉnh, thành phố với trên 3,2 triệu lao động, trong đó có hơn 2 triệu lao động là nữ. Tuy nhiên, mới chỉ có 6 tỉnh, thành phố có DN trong KCX-KCN đầu tư xây dựng trường mầm non. |