Khó vì triển khai thiếu đồng bộ
Theo tại Quyết định số 1340 /QÐ-TTg củaThủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2020, có 90% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở thành thị và 60% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở nông thôn của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng. 100% (số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo) và 70% (số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn) được uống sữa theo chương trình. 90 - 95% trẻ mẫu giáo và tiểu học được đáp ứng nhu cầu năng lượng.
Thế nhưng, cho đến nay số trẻ em được tiếp cận chương trình sữa học đường (SHĐ) là 2,2 triệu trẻ/ tổng số 13,8 triệu trẻ, đạt 15,97%.
Lý giải vấn đề trên, ông Trần Đăng Khoa, Phó vụ trưởng Vụ Bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế cho biết, hiện vẫn còn đến 38 tỉnh, thành phố chưa bố trí được ngân sách địa phương để triển khai Chương trình. Nhiều tỉnh đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ 100% cho cả tỉnh hoặc 100% cho các huyện nghèo, các trường nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa… Về việc huy động kinh phí từ các nguồn xã hội hóa, nhiều tỉnh, trường… chưa huy động được. Không chỉ vậy, việc không thống nhất đầu mối tổ chức thực hiện trong cả nước đã ảnh hướng đến công tác theo dõi, đánh giá, đôn đốc, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện.
Cụ thể, có 35/63 tỉnh, thành giao cho Sở Giáo dục-Đào tạo làm đầu mối triển khai các hoạt động chung, chịu trách nhiệm tổ chức đấu thầu cung ứng sữa cấp cho các trường học. Sở Y tế là thành viên tham gia phối hợp. Còn 28 tỉnh, thành còn lại thì giao cho Sở Y tế làm đầu mối triển khai Chương trình.
Về tổ chức triển khai, trong số 25/63 tỉnh, thành phố triển khai được Chương trình, có 12 tỉnh triển khai trong toàn bộ số trường mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn, 13 tỉnh chỉ triển khai được tại một số trường của tỉnh, 3 tỉnh đã có kế hoạch, nhưng vẫn đang làm thủ tục đấu thầu, 9 tỉnh có kế hoạch nhưng chưa bố trí được kinh phí và 26 tỉnh còn lại đang trong quá trình xây dựng kế hoạch, nhưng rất khó khăn về kinh phí.
Mở rộng chương trình, cần sự vào cuộc quyết liệt của địa phương
Tại Việt Nam, từ năm 2000 đến năm 2017, trẻ em dưới 5 tuổi có tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) giảm đáng kể, thể nhẹ cân giảm từ 33,8% xuống 13,8% và thể thấp còi giảm từ 36,5% xuống còn 23,8%. Tuy nhiên, ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học, SDĐ kết hợp với thiếu vi chất cũng là vấn đề sức khỏe rất phổ biến.
Số liệu toàn quốc năm 2014-2015, ở trẻ dưới 5 tuổi, tỷ lệ thiếu máu là 27,8%, thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 13,0%, thiếu kẽm là 69,4% Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, trẻ thường thiếu kết hợp nhiều vi chất. Nguyên nhân suy dinh dưỡng các loại và thiếu vi chất dinh dưỡng được xác định chủ yếu là do khẩu phần ăn của trẻ không đảm bảo về lượng và tỷ trọng các thành phần dưỡng chất bên cạnh các vấn đề sức khỏe khác. Do vậy, việc triển khai chương trình SHĐ là rất cần thiết nhằm giúp trẻ luôn có một cơ số dự trữ tối thiểu các dưỡng chất thiết yếu, góp phần xây dựng cấu trúc mô, tế bào cũng như tăng trưởng tối ưu thể chất, trí não, đặc biệt ở lứa tuổi học đường.
Ông Nguyễn Quang Thái, Giám đốc Chương trình SHĐ, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, công ty đã tham gia Chương trình Sữa học đường với sản phẩm Sữa tươi tiệt trùng - nhãn hiệu Vinamilk 100% sữa tươi - Học đường. Theo đó, sản phẩm đã được nghiên cứu kỹ về thành phần dưỡng chất đa lượng cũng như các vi chất dinh dưỡng có hàm lượng bổ sung cần thiết cho sự tăng trưởng thể chất đối với lứa tuổi học đường. Quá trình xây dựng công thức sản phẩm có sự tham vấn của nhiều chuyên gia dinh dưỡng trong và ngoài nước, qua đó đảm bảo cho học sinh được cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết trong quá trình học tập cũng như tăng trưởng, phát triển thể chất.
Có thể nói Chương trình sữa học đường mang lại hiệu quả thiết thực giúp nâng cao thể trạng, thể lực cho các em học sinh, thúc đẩy động viên học sinh chuyên cần hơn trong học tập góp phần phát triển nguồn nhân lực tương lai cho đất nước. Do vậy, cũng theo ông Khoa, cần thiết duy trì, kéo dài và nhân rộng chương trình SHĐ tới khắp các địa phương trên cả nước kết hợp tăng tần suất bổ sung sữa cho trẻ trong chương trình.
Muốn làm được vậy, cần thiết có sự tham gia từ phía lãnh đạo địa phương trong việc dành khoảng ngân sách cần thiết cho chương trình. Đây là cơ sở quan trọng tạo tiền để huy động sự tham gia của doanh nghiệp, phụ huynh học sinh triển khai chương trình.
Ngoài ra, việc giao cơ quan chịu trách nhiệm chương trình cần phải nhất quán. Về lâu dài, cần nâng chương trình SHĐ bằng chương trình dinh dưỡng học đường được quy định trong nội dung chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 226/QĐTTg ngày 22/2/2012.