Doanh nghiệp cần quỹ đất
Ông Hoàng Thọ Vượng, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) TPHCM, cho biết, khó khăn phổ biến của DN ngành CNHT là quỹ đất. Đơn cử, tại TPHCM, hiện có 3 khu công nghiệp (KCN) và khu công nghệ cao có phân khu dành riêng cho nhóm DN này. Trong đó, tại KCN Hiệp Phước có tỷ lệ lấp đầy đạt 93/200ha, nhưng tình trạng kéo dài thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những dự án đầu tư tại đây khiến nhiều DN e ngại đầu tư dù quỹ đất còn khá nhiều.
Cùng chia sẻ về vấn đề trên, nhiều DN lý giải, thuê đất trong KCN nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đồng nghĩa với việc không thể thế chấp vay vốn ngân hàng, xin giấy phép xây dựng để triển khai theo tiến độ đầu tư hoặc theo quyết định phê duyệt tham gia chương trình kích cầu của UBND TPHCM. Theo bà Lâm Diệu Tâm Hiếu, Phó Tổng giám đốc Công ty Kizuna, kinh nghiệm qua 10 năm xây dựng và vận hành KCN dành cho các DN ngành CNHT cho thấy, nên hình thành các khu nhà xưởng xây sẵn và hoàn thiện cả phần cứng lẫn phần mềm. Trong đó, phần cứng là hệ thống hạ tầng kỹ thuật như công trình nhà xưởng với quy mô, diện tích phù hợp. Còn phần mềm là sự tích hợp đồng bộ nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin, giúp DN có thể ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số nhanh chóng; hạ tầng xử lý chất thải, nguồn năng lượng tái tạo và phần mềm quản lý giám sát giúp DN thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Đặc biệt, tại các KCN phải có quy định, chính sách và đội ngũ nhân sự phục vụ chuyên nghiệp cùng với các dịch vụ hỗ trợ toàn diện từ Ban quản lý KCN.
Một số DN cũng cho rằng, từ nay đến năm 2025, TPHCM có thể hình thành và phát triển loại hình khu nhà xưởng kèm hạ tầng, dịch vụ tại quỹ đất sẵn có trong các KCN hiện hữu hoặc phát triển mới các KCN đồng bộ đã có trong quy hoạch. Về lâu dài, cần phát triển KCN đồng bộ quy mô lớn vài trăm hoặc vài ngàn hécta theo định hướng chiến lược của thành phố.
Nới lỏng nguồn vốn vay
Bên cạnh thiếu quỹ đất, DN ngành CNHT còn gặp khó về nguồn vốn đầu tư để đổi mới công nghệ sản xuất. Ông Châu Bá Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần CNHT Minh Nguyên, cho biết, công nghệ sản xuất là yếu tố cốt lõi quyết định cơ hội gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu của DN. Bởi ngoài yếu tố chất lượng đạt chuẩn chung mà DN có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đưa ra thì DN nội phải cạnh tranh được về giá thành sản phẩm với các DN FDI trong chuỗi cung ứng. Phải nói thêm rằng, phần lớn DN FDI cung ứng sản phẩm CNHT đã có thâm niên rất lâu nên có nội lực công nghệ, vốn rất mạnh, giá thành sản phẩm rất tốt. Trong khi đó, phần lớn công nghệ sản xuất của DN nội đã bị lạc hậu, tỷ lệ sản phẩm lỗi cao, hiệu suất thấp nên khó cạnh tranh. Do đó, DN nội rất cần vốn để đổi mới công nghệ.
Trên thực tế, năm 2018, UBND TPHCM đã ban hành chương trình kích cầu đầu tư dành riêng cho lĩnh vực CNHT. Tính đến nay, đã có 15 dự án của 14 DN được phê duyệt vay vốn từ chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực CNHT. Bình quân số vốn đầu tư một dự án là 78,405 tỷ đồng, trong đó, vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi suất mỗi dự án là 41,149 tỷ đồng. Không dừng lại đó, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ thông qua dự án USAID LinkSME và Cục Phát triển DN (Bộ KH-ĐT) đã triển khai dự án thúc đẩy tiếp cận tài chính cho DN nhỏ và vừa ngành CNHT nhằm nâng cao năng lực sản xuất. DN có thể vay tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án/phương án sản xuất kinh doanh. Thời gian vay tối đa không quá 7 năm, thời gian ân hạn cho một dự án (vay vốn trung và dài hạn) tối đa 2 năm. Đặc biệt, lãi suất cho vay của dự án trong ngắn hạn chỉ ở mức 2,16%/năm, trung hạn và dài hạn là 4%/năm. Cho đến nay, nhờ các nguồn vốn vay hỗ trợ, nhiều DN đã tiếp cận được nguồn vốn và phát triển, tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN lớn. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, những hỗ trợ trên chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của DN.
Đề xuất giải pháp, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hiệp hội Điện và Cơ khí TPHCM, kiến nghị: “Cần đẩy nhanh tiến độ triển khai chính sách hỗ trợ vốn, lãi suất mà Chính phủ ban hành, kèm đó nới lỏng điều kiện cho vay đối với các DN (theo hình thức tín chấp căn cứ trên nguồn thu, thương hiệu, khách hàng tiềm năng của DN). Mặt khác, cơ quan chức năng cần kéo dài các gói vay lãi suất thấp từ 6-12 tháng thay vì chỉ 3-6 tháng để hỗ trợ DN. Riêng với TPHCM, lãnh đạo thành phố cần sớm mở lại chương trình kích cầu đầu tư dành riêng cho lĩnh vực CNHT vốn bị gián đoạn thời gian qua, để gỡ khó về vốn cho các DN”.
Một vấn đề khác được nhiều DN đề cập là chương trình chuyển đổi số đang là nhu cầu của tất cả nền kinh tế hiện nay. Các DN tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung có nhu cầu chuyển đổi số toàn diện, xây dựng hệ thống quản trị toàn diện để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Muốn vậy, DN cần đầu tư phần mềm ERP (quản lý tổng thể doanh nghiệp) và phần cứng tương ứng với chi phí rất cao nên rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để tiến trình này diễn ra nhanh hơn. Cùng với đó, không thể thiếu chính sách hỗ trợ kết nối thị trường nhằm giải quyết đầu ra cho DN. Do đó, các cơ quan chức năng cần xây dựng chương trình xúc tiến, quảng bá tại nhiều thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, Úc, châu Âu… để DN có thêm cơ hội hợp tác.