Thân phận bấp bênh
Phát biểu tại hội nghị, ông Cao Minh Quý, Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học, cho biết công tác PCGD những năm qua của thành phố đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn khó khăn do số lượng người nhập cư đông ở một số quận huyện. Trong đó, việc thực hiện chế độ, chính sách dành cho cán bộ chuyên trách phổ cập được đánh giá chưa thỏa đáng, chưa có chính sách đồng đều giữa các quận huyện.
Đơn cử, một cán bộ chuyên trách PCGD tại quận Tân Phú cho biết: “Trước đây, địa phương thực hiện chế độ hợp đồng đối với nhân viên phụ trách PCGD. Để đảm bảo đời sống cho anh em, Phòng GD-ĐT quận đã tạo điều kiện cho những người này đi học lấy bằng cử nhân sư phạm. Mới đây nhất, vào dịp tuyển dụng giáo viên hồi tháng 8-2019, những người này được chính thức tuyển dụng biên chế giáo viên tiểu học”.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay mà quận này gặp phải là quy định giáo viên phải đảm bảo định mức số tiết dạy/tuần nên không còn thời gian làm phổ cập. Ngược lại, nếu tập trung làm công tác phổ cập thì không đủ định mức giảng dạy của giáo viên. Thêm vào đó, trường phổ thông lúng túng không biết tính chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi thế nào cho đội ngũ này, dẫn đến tình trạng không đồng đều giữa các đơn vị.
tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi ra lớp 1 của TPHCM vẫn chưa đạt 100%
Ở góc độ khác, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, nêu thực tế, hiện nay trong tất cả văn bản quy định của Trung ương đều không có vị trí việc làm cho giáo viên phổ cập. Để giải quyết bất cập này, trước đây Phòng GD-ĐT quận đã “mắt nhắm, mắt mở” cho anh em làm để được hưởng chế độ, nhưng hiện nay vướng nhiều quy định về phân bổ biên chế và giảm trừ định mức giảng dạy.
Song song đó, UBND quận đã thực hiện điều chuyển giáo viên chính quy sang trung tâm học tập cộng đồng để hỗ trợ công tác phổ cập dưới dạng điều động, toàn bộ lương và phụ cấp vẫn được hưởng bình thường ở trường phổ thông. Mới đây nhất, TPHCM thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, trong đó vị trí cán bộ chuyên trách giáo dục nhiều khả năng sẽ bị cắt giảm.
“Khối lượng công việc quá nhiều nhưng con người không có. Tôi kiến nghị cơ quan quản lý phải có văn bản hướng dẫn để UBND quận huyện có cơ sở pháp lý triển khai”, ông Trịnh Vĩnh Thanh bày tỏ.
Cần chỉ đạo quyết liệt từ địa phương
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, khẳng định PCGD là một trong những nhiệm vụ bắt buộc của trường phổ thông do đã được quy định cụ thể trong điều lệ trường học nên các trường phải có trách nhiệm thực hiện, không được từ chối hay đẩy trách nhiệm cho cán bộ chuyên trách ở phường xã.
Đại diện Sở GD-ĐT đề nghị các phòng GD-ĐT phải chỉ đạo quyết liệt, phân công trách nhiệm đối với giáo viên, đồng thời áp dụng các quy định về quyền lợi, nghĩa vụ giống như những giáo viên bình thường khác.
Một thực tế khác, theo ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, kết quả thống kê công tác PCGD và xóa mù chữ cho thấy, chỉ tính riêng ở bậc tiểu học - bậc học được công nhận PCGD chung trên cả nước, năm học 2018-2019 có 136 học sinh bỏ học, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi ra lớp 1 chưa đạt 100% trên toàn thành phố, có đến 5.645 học sinh chưa hoàn thành chương trình tiểu học.
Vị này nhận định, đây là những “con số biết nói”, đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải đẩy mạnh hơn nữa chất lượng giảng dạy, hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học hoặc không hoàn thành chương trình tiểu học.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, đề nghị các phòng ban chuyên môn của sở phối hợp với UBND 24 quận huyện sớm đưa ra các giải pháp tháo gỡ, xây dựng định mức quy đổi tiết dạy cho giáo viên.
Đặc biệt, lãnh đạo Sở GD-ĐT lưu ý, công tác điều tra, cập nhật số liệu phổ cập cần sát thực tế, lực lượng chuyên trách phải xuống từng tổ dân phố, hộ dân, chứ không điều tra trên giấy, đề cao vai trò của cán bộ chuyên trách ở trường học để làm cầu nối giữa UBND phường xã và phòng GD-ĐT thực hiện có hiệu quả công tác này.
Với giải pháp điều động giáo viên từ trường công qua thực hiện công tác phổ cập tại trung tâm học tập cộng đồng, Sở GD-ĐT lưu ý trường học cần có quy định về trách nhiệm, thời khóa biểu đứng lớp rõ ràng để giáo viên vẫn được hưởng phụ cấp ưu đãi như tất cả giáo viên khác ở trường phổ thông. Về lâu dài, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó trưởng Phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT), đề nghị 24 quận huyện nghiên cứu, có văn bản đề xuất phương án quy đổi số tiết giảng dạy để giáo viên thực hiện công tác phổ cập. Từ cơ sở đó, Sở GD-ĐT sẽ tổng hợp, tham mưu UBND TPHCM ban hành chính sách chung cho toàn thành phố. |