Gỡ khó cho y tế vùng Tây Nguyên - Bài 2: Từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Để nâng cao chất lượng chăm lo sức khỏe cho nhân dân, các tỉnh Tây Nguyên đang thu hút nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng y tế, nâng cao chuyên môn đội ngũ y, bác sĩ…

Thu hút đầu tư

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã và đang tập trung nguồn lực, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng ngành y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Như tại tỉnh Đắk Nông, Công ty CP Đầu tư Bệnh viện Xuyên Á đã đầu tư 2 dự án bệnh viện kỹ thuật cao, chuyên sâu gồm: Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á - Tây Nguyên và Bệnh viện Xuyên Á - Gia Nghĩa. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á - Tây Nguyên đã khởi công đầu tháng 7-2023 với quy mô 700 giường bệnh, tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Bệnh viện Xuyên Á, thông tin, dự kiến khi đưa vào hoạt động vào năm 2025, Bệnh viện Xuyên Á - Tây Nguyên có thể đáp ứng 2.000-3.000 lượt khám mỗi ngày. Bệnh viện chú trọng vào lĩnh vực cấp cứu sống còn, tận dụng thời gian vàng, như: can thiệp đặt stent trong nhồi máu cơ tim cấp, cấp cứu phẫu thuật chấn thương sọ não, cấp cứu đột quỵ cấp, can thiệp mạch máu não bằng DSA...

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, vui mừng khi Dự án Bệnh viện Xuyên Á - Tây Nguyên đầu tư vào tỉnh đã chia sẻ gánh nặng cho ngân sách nhà nước về lĩnh vực y tế. Hiện nay, UBND tỉnh Đắk Nông vẫn tiếp tục thu hút đầu tư về lĩnh vực y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á - Tây Nguyên đang được đầu tư xây dựng tại huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông). Ảnh: MAI CƯỜNG

Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á - Tây Nguyên đang được đầu tư xây dựng tại huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông). Ảnh: MAI CƯỜNG

Tỉnh Lâm Đồng cũng đang kêu gọi, thu hút đầu tư về lĩnh vực y tế đối với 7 dự án bệnh viện, trung tâm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi như: Bệnh viện chất lượng cao (TP Đà Lạt); Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Điều dưỡng cao cấp (huyện Đức Trọng); Bệnh viện Đa khoa, phòng khám chất lượng cao và Khu nghỉ dưỡng cao cấp (huyện Di Linh); Bệnh viện Quốc tế chất lượng cao; Dự án Trung tâm Nghỉ dưỡng - Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Trung tâm Cấp cứu và Điều trị, Khu Hậu cần kỹ thuật, bệnh viện dã chiến (TP Bảo Lộc)…

Còn tại tỉnh Gia Lai, ông Lý Minh Thái, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh, chia sẻ, trong năm nay sẽ sửa chữa, nâng cấp các Trung tâm Y tế Đắk Đoa, Mang Yang, An Khê, Ayun Pa. Giai đoạn 2023-2025, địa phương sẽ đầu tư 77 trạm y tế, CDC Gia Lai và Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ.

Riêng Trung tâm Y tế huyện Krông Pa, Phú Thiện đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công năm 2026. Tỉnh cũng đã có dự án đầu tư Bệnh viện 331, tổng vốn 300 tỷ đồng; đầu tư khối phụ sản - Bệnh viện Nhi, tổng vốn 200 tỷ đồng; đầu tư Trung tâm Y tế huyện Kbang, tổng vốn 110 tỷ đồng… Khi những dự án này hoàn thành sẽ giải quyết cơ bản cơ sở vật chất phục vụ khám chữa bệnh cho người dân trong tỉnh.

Nâng cao tay nghề đội ngũ nhân viên y tế

Ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên đang thực hiện nhiều giải pháp để giữ chân đội ngũ y, bác sĩ cũng như nâng cao nguồn nhân lực địa phương. Bác sĩ CKII Trịnh Văn Quyết, Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, cho biết, Sở Y tế đang phối hợp với các sở, ngành rà soát, nghiên cứu về chính sách ưu đãi, thu hút đội ngũ bác sĩ về làm việc tại tỉnh và chế độ đào tạo, bồi thường kinh phí đào tạo.

Sở Y tế đã phối hợp Sở Nội vụ đề xuất chính sách thu hút và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030. Đồng thời, kiến nghị Bộ Y tế đề xuất các cơ quan có thẩm quyền có chính sách cụ thể về nhà ở công vụ cho nhân viên y tế, tạo điều kiện cho nhiều nhân viên y tế hiện còn đang khó khăn yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với hệ thống y tế công…

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Gia Lai Lý Minh Thái, cần nhanh chóng thay đổi, bổ sung các chính sách để tương xứng với công sức của đội ngũ y, bác sĩ. Việc tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này cần có chế độ đãi ngộ đặc biệt.

Cùng quan điểm trên, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết, để tháo gỡ bài toán về nhân lực, ngoài việc tuyển dụng mới, Sở Y tế tăng cường công tác đào tạo sau đại học cho viên chức có trình độ bác sĩ y khoa; bồi dưỡng nâng cao kỹ năng thực hành các chức danh chuyên môn, chuyên khoa; từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo, quản lý; kỹ năng thực hành theo vị trí việc làm trên cơ sở đề cao chất lượng đào tạo phù hợp với quy hoạch, phát triển nguồn lực tại các đơn vị để triển khai các dịch vụ kỹ thuật y tế chuyên ngành.

Tin cùng chuyên mục