Cách đây 18 năm, làng nghề đá chẻ Hòa Sơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) gọi là làng nghề nhưng có tuổi đời khá trẻ. Hiện UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt đề án phát triển, mở rộng, nhưng để làng nghề có chỗ đứng vững chãi trên thị trường thì đây là điều nan giải.
Làng đá chẻ bắt nguồn từ một vài hộ dân mua nguyên liệu đá được khai thác từ mỏ đá Hồ Mùn và Trường Bản (Hòa Sơn), sau đó cắt, chẻ thành các sản phẩm đá trang trí nội thất. Đến nay, toàn xã Hòa Sơn có khoảng 88 cơ sở sản xuất, hộ làm nghề với khoảng hơn 500 lao động, tập trung các thôn Phú Hạ, Xuân Phú, Phú Thượng...
Nghề làm đá chẻ Hòa Sơn là nghề thủ công, đòi hỏi sức khỏe, sự chịu khó, cần cù và một chút khéo léo. Ngồi chẻ đá tại xưởng, anh Nguyễn Hồng Thanh (sinh 1990, người Nghệ An) cho biết, làm nghề này được 10 năm, công việc của anh là đập đá ở ngoài bãi, cắt đá thành những mảnh nhỏ.
Do có sức khỏe và chịu được nhọc nhằn, vì vậy thu nhập của anh có thể hơn 7 triệu/ tháng tùy theo. “Nếu chịu khó học hỏi và tinh ý thì chỉ học khoảng 1 tuần đã làm được. Người làm sẽ làm việc ăn theo sản phẩm. Với một người bình thường, họ có thể thu nhập 5-6 triệu”, anh Thanh cho hay.
Do có sức khỏe và chịu được nhọc nhằn, vì vậy thu nhập của anh Hồng Thanh có thể hơn 7 triệu/ tháng
Ông Nguyễn Mai Huynh (sinh năm 1983, thôn Phú Thượng), chủ một hộ gia đình làm nghề đá cho hay, từ năm 2016, anh bắt đầu kinh doanh bằng nghề này. Nguồn nguyên liệu khoáng sản làm đá trang trí tại các mỏ đá trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển cũng như giảm các chi phí khác, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất đá trang trí trong thời gian lâu dài. Bên cạnh đó, lực lượng lao động tại chỗ đã góp phần nâng cao thu nhập làm tăng hiệu quả sản xuất và tính ổn định trong quá trình phát triển.
Nghề đá chế chủ yếu làm thủ công nên các cơ sở cần lực lượng lao động dồi dào để phát triển
Tuy nhiên, hộ sản xuất đá chẻ của ông chỉ mới dừng ở mức thô sơ, quy mô sản xuất nhỏ, chưa tính đến xử lý mùn đá trong quá trình cắt đá. “Do vốn quá ít nên tôi chỉ cắt và gia công nên một sản phẩm duy nhất”, ông Huynh nhìn nhận.
Cũng là một người dân Phú Thượng, bà Nguyễn Thị Kim Năng, chủ cơ sở công ty TNHH đá tự nhiên Sài Gòn Hòa Vang (thôn Xuân Phú) kể rằng, thường thì cơ sở của bà cứ làm ra loại mảnh đá trang trí với kích thước và kiểu dáng khác nhau. Khách hàng ở gần sẽ đến chọn và đặt hàng những mảnh đá trang trí thích hợp nếu số lượng còn ít. những đại lý họ tìm tới mình để mua. Với những đối tác ở xa thì họ sẽ đặt hàng qua điện thoại. Khách hàng mua nhiều vào khoảng đầu và cuối của một năm vì khoảng thời gian này người ta ít xây dựng nên giá cả sẽ không đắt đỏ.
Tại cơ sở bà Kim Năng, có 4 máy cắt đá và khoảng 10 công nhân
Tại cơ sở bà Năng, có 4 máy cắt đá và khoảng 10 công nhân. Trung bình mỗi thợ làm nghề ở đây có thu nhập từ 3 – 10 triệu tùy công đoạn, tùy năng lực.
Một máy cắt đá tầm khoảng 40-50 triệu
Để có thể trở thành một hộ kinh doanh nhỏ, mỗi hộ ít nhất có một máy cắt đá tầm 40-50 triệu kèm với những lao động biết việc và chịu được vất vả. Tuy nhiên, ở đây chủ yếu là lao động tự do nên việc kiểm soát về vấn đề bảo hộ rất là khó khăn.
Theo bà Kim Năng, nhiều hộ trong thôn đã bắt tay vào làm nghề này, nhưng nếu không tìm được thị trường mới thì sức tiêu thụ sẽ giảm dần đi sau vài năm nữa
Ông Nguyễn Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết, với bàn tay tài hoa của những người lao động, kết hợp với máy móc hiện đại, đá trang trí Hòa Sơn không chỉ có mặt ở thị trong nước mà còn xuất khẩu nhiều quốc gia trên thế giới.
Sản phẩm trang trí Hòa Sơn đã và đang tô điểm thêm vẻ đẹp các công trình, đem lại phong cách ấn tượng cho quán cafe hay nét trang trọng cho các biệt thự, nhà hàng
Sản phẩm đá trang trí Hòa Sơn có đặc điểm rất cứng và bền, được sử dụng làm đá trang trí ở các khu nhà vườn như nhà phố, biệt thự, nhà hàng, quán ăn, cafe, khu vui chơi giải trí, khu Resort ven biển...
Làng nghề có nhiều tiềm năng là những mỏ đá thiên nhiên tại khu vực, nhưng để trở thành một làng nghề có sức cạnh tranh lớn vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó việc hình thành làng nghề làm sao để đảm bảo môi trường vẫn là một điều nhức nhối.
“Nhiều hộ sản xuất tự phát nằm rải rác, công đoạn cắt xẻ, phá đá cũng gây ô nhiễm môi trường, gây nhiều bức xúc cho người dân sinh sống dọc tuyến ĐH2. Nếu hình thành khu vực làng nghề tập trung thì phải có khu xử lý nước thải tập trung, hệ thống đấu nối nước thải vào khu xử lý nước thải”, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn nhìn nhận.
Mới đây, TP Đà Nẵng đã phê duyệt đề án Phát triển Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn với tổng diện tích đất quy hoạch là 119.509m2, trong đó, đất bố trí sản xuất đá chẻ là 41.769m2 (tương đương 202 lô). Việc phát triển Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn được phân kỳ đầu tư như sau: năm 2020, thực hiện công tác giải tỏa đền bù; năm 2021-2022, đầu tư hoàn thiện hạ tầng dự án; từ năm 2023 trở đi, thực hiện bố trí, sắp xếp các hộ, cơ sở sản xuất vào Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn sau khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đưa vào quản lý, hoạt động...
Làng nghề đá Hòa Sơn với nhiều tiềm năng để phát triển, mở rộng
Theo ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, dự án Phát triển Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn được thực hiện nhằm quy hoạch, bố trí và sắp xếp lại Làng đá chẻ; khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, đưa các hộ sản xuất và hộ bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng dự án đường ĐH2 vào hoạt động sản xuất đá chẻ tập trung tại khu vực quy hoạch; góp phần giải quyết việc làm, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; tiến đến xa hơn là thành lập Cụm công nghiệp Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn.