Cấp phép xây dựng - can thiệp quá sâu
Gia đình ông N.H.B. (quận 9, TPHCM) vừa xây xong phần móng và tầng trệt của căn nhà 1 trệt, 2 lầu. Chuẩn bị lên tầng thứ nhất, nhận thấy những bất ổn trong bố cục nên ông B. quyết định chuyển vị trí cầu thang từ bên trái sang bên phải công trình. Ông B. làm bộ hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng (GPXD) đã được cấp trước đó. Do phần cầu thang đã được cấy sắt, đổ bê tông một phần nên việc điều chỉnh GPXD gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, ông B. phải thuê đơn vị có chức năng lập một bộ hồ sơ tương tự xin GPXD mới. Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ điều chỉnh, ông B. lại bị chất vấn vì sao không ngừng thi công công trình trước khi xin điều chỉnh giấy phép…
Thường xuyên tư vấn cho các trường hợp tương tự như trên, luật sư Lê Xuân Huân, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết khi thiết kế xây nhà, người dân không hình dung được hết về sự hợp lý của bố cục theo thiết kế ban đầu. Đến khi thi công, người dân nhận thấy cần điều chỉnh cho hợp lý hơn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không được giải quyết, dẫn tới sự “thỏa thuận ngầm” để chủ công trình tự điều chỉnh. Đến khi xây nhà xong, người dân tiếp tục gặp rắc rối trong việc hoàn công và lại “tìm cách” hợp thức hóa.
Ông Lê Hoàng Hà, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cũng nhận xét quy định về cấp GPXD nhà ở riêng lẻ hiện đang quản quá sâu. Vì thế, trong nhiều tình huống, quan điểm giữa Thanh tra Sở Xây dựng với UBND cấp huyện, cấp xã chưa thống nhất trong xác định hành vi vi phạm cũng như việc áp dụng biện pháp xử lý. Điều này không chỉ gây ra phiền hà cho người dân, gây khó khăn trong quản lý trật tự xây dựng mà còn là điều kiện dẫn đến cán bộ, công chức tiêu cực. Ông Hà đề xuất, đối với nhà ở riêng lẻ tại các khu dân cư hiện hữu, cần quản lý GPXD theo hướng thông thoáng, đơn giản hơn. GPXD chỉ cần yêu cầu tuân thủ tiêu chí về ranh đất, khoảng lùi xây dựng, lộ giới, chiều cao tối đa và số tầng khống chế. Còn lại, người dân được tự do thiết kế (theo tiêu chuẩn, quy chuẩn), bố trí bên trong công trình. Khi đó, lực lượng chức năng chỉ cần kiểm tra về các tiêu chí đó mà không phải đi sâu săm soi vào bố trí phòng ốc, cửa nẻo… trong công trình. “Làm như vậy không chỉ giảm phiền hà cho người dân, giảm thiểu xây dựng sai phép mà còn hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu”, ông Lê Hoàng Hà khẳng định.
Tạo điều kiện để người dân tạo lập nhà ở
Theo Sở Xây dựng TPHCM, tổng số GPXD nhà ở riêng lẻ cấp trong các năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 là 112.720, chiếm 89% số GPXD được cấp trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, nhất là khu vực đất nông nghiệp, đất nằm trong quy hoạch, người dân không đủ điều kiện để được cấp GPXD. Để đáp ứng nhu cầu bức bách về nhà ở, nhiều người đánh liều xây nhà không phép.
Đơn cử, quận Thủ Đức tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, chợ đầu mối, trường đại học, thu hút số lượng lớn người dân từ các nơi khác đến sinh sống, lao động và học tập. Điều này làm tăng dân số cơ học, dẫn đến áp lực lớn về nhà ở. Trong khi đó, nhiều người dân có đất nằm trong quy hoạch, dự án “treo” nên không được chuyển mục đích sử dụng đất, không được xây dựng. Mâu thuẫn này làm phát sinh vi phạm xây dựng. Đặc biệt, một số người dân nhận bồi thường khi bị thu hồi đất với số tiền thấp, không đủ mua đất mới. Nhiều người tìm mua nhà đất không phù hợp quy hoạch, không có giấy tờ hợp pháp để xây dựng, dẫn đến vi phạm.
Tính chung, vi phạm xây dựng 6 tháng đầu năm 2019 ở TPHCM tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2018. Nổi cộm là ở quận 2, quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh… Trong đó, huyện Bình Chánh chịu áp lực lớn về tình hình hình tăng dân số cơ học, phát sinh nhu cầu về nhà ở rất cao. Thế nhưng, hạn mức chuyển đổi sang đất ở tại huyện này rất ít. Cụ thể, ở mỗi xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) hiện có khoảng 120.000 dân. Theo chỉ tiêu đầu người về xây dựng (21m2/người), mỗi xã cần 240ha đất ở đô thị, nhưng thực tế chỉ có khoảng 52 - 55ha/xã. Do đó, huyện Bình Chánh cùng một số địa phương khác kiến nghị UBND TPHCM cho phép tăng hạn mức đất ở để giải quyết nhu cầu về nhà ở của người dân.
Ngoài ra, để kéo giảm vi phạm xây dựng, Sở Xây dựng cũng trình UBND TPHCM thí điểm cho phép người dân ở huyện Củ Chi và Cần Giờ xây công trình trên đất nông nghiệp. Các công trình này là nhà kính, nhà lưới, kho để dụng cụ nông nghiệp, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm… chỉ để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời nhiều quận, huyện đề nghị có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc cải tạo, xây mới và tạo lập nhà ở của người dân trong khu vực quy hoạch. Trong đó, UBND TPHCM cần quyết liệt điều chỉnh, hủy bỏ khỏi kế hoạch sử dụng đất hàng năm đối với các dự án kéo dài quá lâu mà không thực hiện. Đặc biệt, đối với những quy hoạch không thể điều chỉnh, hủy bỏ mà chưa có quyết định thu hồi đất thì UBND TPHCM cần cho phép người dân có đất nông nghiệp trong quy hoạch được chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng tạm.