Gỡ khó cho ngành y

Để gỡ cho được 3 cái khó lớn của ngành y tế hiện nay (thuốc, vật tư y tế; trang thiết bị; và tiền), nhiều người đặt hy vọng vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi mà Quốc hội sẽ thảo luận tại phiên họp toàn thể sáng nay 24-10. 

Kỳ vọng đó là đúng, nhưng chưa đủ. Nhiều vị ĐBQH công tác trong ngành y tế cho biết, Luật Đấu thầu hiện hành quy định, khi mua sắm tập trung phải tiến hành đấu thầu rộng rãi. Tuy nhiên, các quy định về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu và một số quy định liên quan chưa tạo được cơ chế hiệu quả, linh hoạt để bảo đảm mua sắm được thuốc men, hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, trang thiết bị y tế… có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu sử dụng với giá cả cạnh tranh. 

Không như các hàng hóa khác, thuốc và trang thiết bị y tế khó có thể dự trù chính xác nhu cầu sử dụng (vì phụ thuộc tình hình bệnh tật, dịch bệnh...). Việc tổ chức đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu hiện hành sẽ mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân và chất lượng của dịch vụ.

Do nguyên lý của đấu thầu là “giá trúng thầu không được cao hơn giá kế hoạch” nên qua từng năm, mức giá này sẽ thấp dần, khiến những công ty kinh doanh thuốc chất lượng tốt, giá cao không thể tham gia đấu thầu tập trung. 

Trong khi đó, nhìn vào số công chức, viên chức đang rời khỏi khu vực công vì nhiều lẽ khác nhau, có thể thấy, đội ngũ y bác sĩ cùng với đội ngũ cán bộ giáo dục, đang chiếm tỷ lệ lớn hơn cả. Nếu không đảm bảo được cuộc sống, không có chính sách đãi ngộ phù hợp thì y tế công sẽ thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng.

Sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh là điều kiện cần. Cùng với đạo luật quan trọng này, còn rất nhiều quy định pháp luật khác, như: Luật Đấu thầu, các quy định về tiền lương, chế độ đãi ngộ… cần được sửa đổi đồng bộ.

Thậm chí, cần có cả những quy định nhằm bảo vệ cán bộ khi họ buộc phải đưa ra những quyết định mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế trong điều kiện cấp bách; xóa đi tâm lý e dè, “làm thì sợ sai, chi bằng không làm”.  

Tin cùng chuyên mục