Không có tiền nâng đường, mở hẻm
Chiều 28-9, thấy cơn mưa lớn sắp ập tới, chị Mai Thị Kiều Trang (ngụ hẻm 205/39 Trần Văn Đang, phường 11, quận 3) vội chạy sang nhà người bà con cách đó vài chục mét để dắt hai con về nhà. Vừa đi, chị Trang vừa hối đám trẻ bước lẹ, lỡ mưa lớn chỉ một lát là hẻm ngập, khó đi. Con hẻm rộng hơn 2m, nơi hẹp nhất khoảng 1,5m, cứ mưa là ngập. Trong hẻm lại có trường tiểu học, giờ cao điểm phụ huynh đưa rước con nên ngày nào cũng kẹt cứng. Người dân trong hẻm đã đồng thuận hiến đất mở rộng hẻm lên 3,5-6m. Cuộc họp nào người dân cũng hỏi khi nào làm hẻm, nhưng địa phương nói chờ vì chưa có kinh phí.
Đây là một trong 45 tuyến hẻm được quận 3 đặt mục tiêu mở rộng trong nhiệm kỳ 2020-2025. Công tác vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm đã hoàn tất, người dân rất đồng thuận, nhưng quận vẫn chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa ghi vốn. Theo UBND quận 3, nếu như trước đây, sau khi lập các dự án mở rộng hẻm, UBND quận trình HĐND quận thẩm định và thông qua. Nay, khi không còn HĐND quận, thì quận phải chờ HĐND TPHCM phê duyệt.
Khó khăn kể trên là một trong những khó khăn điển hình của các quận tại TPHCM khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Với mô hình này, UBND quận không còn là một cấp ngân sách, mà trở thành đơn vị dự toán ngân sách.
Xây dựng cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức
|
Từ đó, không còn nguồn kết dư, dự phòng, khi phát sinh các nhiệm vụ chi đột xuất thì không thể chủ động. Điều này khiến nhiều dự án của các quận, đặc biệt là các dự án đã được HĐND quận thông qua trước đây, không thể chủ động kinh phí để thực hiện. Trong khi đó, đây gần như đều là những dự án mang tính dân sinh, khả thi, phục vụ trực tiếp đời sống người dân. Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, qua rà soát ở các quận, tổng nhu cầu chi cho các dự án lên tới hơn 1.670 tỷ đồng, trong đó có gần 1.000 tỷ đồng là nhu cầu từ các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước.
Ngoài khó khăn trên, sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM và Nghị định 33/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội, các địa phương đang gặp khó trong nhiều lĩnh vực. Trong đó có công tác sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư, bố trí cán bộ, công chức tại các đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập, nhất là tại TP Thủ Đức. Khối lượng công việc ngày càng nhiều, phức tạp nhưng số lượng cán bộ, công chức được bố trí lại hạn chế.
Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính, phân cấp, ủy quyền vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi. TP Thủ Đức chưa có cơ chế đặc thù nên vẫn hoạt động như một đơn vị hành chính cấp huyện. Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng cho biết, hồ sơ hành chính của TP Thủ Đức hiện nay bị chậm chủ yếu ở các lĩnh vực môi trường, đất đai, xây dựng. Những khó khăn, ngổn ngang ở thành phố mới từ khi thành lập đến nay được Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp nhìn nhận: cán bộ, đảng viên và nhân dân đã giảm bớt hào hứng. Nguyên do, người dân cảm nhận chưa có gì thay đổi. Trong khi thủ tục hành chính thì giải quyết lâu hơn, phải đi xa hơn…
Gỡ khó cho quận, phường
Trong khi các quận, phường gặp khó, thì một số sở, ngành phải gánh vác một lượng công việc khổng lồ. Như Sở Tài chính TPHCM phải nhập phân bổ, bổ sung, điều chỉnh dự toán ngân sách với hơn 1.400 đơn vị sử dụng ngân sách thuộc UBND 16 quận. Sở cũng phải tham mưu giải quyết những vướng mắc của UBND 16 quận như: bổ sung kinh phí không thường xuyên chưa được giao dự toán, điều chỉnh tăng giảm dự toán giữa các lĩnh vực… Theo Giám đốc
Sở Tài chính TPHCM Phạm Thị Hồng Hà, đây là những khó khăn đã được lường trước khi TPHCM đề xuất mô hình chính quyền đô thị.
Điểm vướng mắc là Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã có nhiều quy định thay đổi so với thời điểm TPHCM thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Theo quy định hiện hành, quận không còn tổ chức HĐND sẽ không còn là cấp ngân sách. Để sửa luật hoặc chờ sơ kết Nghị quyết 131/2020 sẽ mất nhiều thời gian, do đó, TPHCM đã đưa các nội dung này vào khi xây dựng nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Trước những khó khăn của các quận, phường khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị như trên, trong nội dung tổng kết Nghị quyết 54 và xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, các sở, ngành cũng đề xuất TPHCM bổ sung vào nghị quyết mới nội dung cho phép TPHCM áp dụng cơ chế tài chính đặc thù. Ba nội dung chính của cơ chế tài chính đặc thù này gồm: UBND quận - đơn vị dự toán ngân sách quận thuộc TPHCM có dự phòng ngân sách như cấp ngân sách; UBND quận thực hiện giao, quản lý, điều chỉnh,
bổ sung dự toán ngân sách của đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc; phòng tài chính - kế hoạch quận thực hiện nhiệm vụ của cơ quan tài chính cấp huyện.
Lãnh đạo Sở Nội vụ TPHCM cho biết thêm, thời gian tới, TPHCM tiếp tục xây dựng Đề án biên chế hành chính, số lượng người làm việc và hợp đồng lao động theo Nghị định 161/2018 phù hợp với cơ chế đặc thù của TPHCM; Đề án đầu tư xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM để trình cấp có thẩm quyền. Việc này nhằm giải quyết khó khăn về nhân sự cho các quận, phường.
TPHCM cũng sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành nghị quyết về tổ chức lại ban bồi thường, giải phóng mặt bằng thành trung tâm phát triển quỹ đất, và thành lập đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND TP Thủ Đức, UBND các quận, huyện tại TPHCM; đề xuất cơ chế chính sách đặc thù về tổ chức và thẩm quyền với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Thủ Đức.
Bà LÊ THỊ HUỲNH MAI, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM:
|
Bà NGUYỄN THỊ HỒNG THẮM, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM:
|