Sau gần 10 năm thí điểm xây dựng các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, du lịch canh nông tại đây đã có nhiều dấu ấn trong phát triển chung của du lịch địa phương.
Tổng lượt khách đến tham quan các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh từ năm 2018 (đầu năm 2018 thẩm định và công nhận điểm du lịch canh nông) đến nay đạt hơn 10 triệu lượt khách, giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động tại các địa phương.
Sau giai đoạn phát triển mạnh, du lịch canh nông tại Lâm Đồng có dấu hiệu chững lại sau dịch Covid-19 khi có 14 mô hình được công nhận du lịch canh nông ngưng hoạt động.
Đến cuối năm 2023, UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hiệu lực thi hành Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vì không còn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và các quy định liên quan đến loại hình du lịch canh nông; việc công nhận Điểm du lịch (có sản phẩm du lịch canh nông) trên địa bàn tỉnh thực hiện theo quy định của Luật Du lịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết, du lịch canh nông là loại hình mới nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh Lâm Đồng với nhiều sản phẩm mới, sáng tạo. Hiện địa phương có 17 điểm du lịch canh nông được cấp thẩm quyền cấp phép, trong đó có 3 điểm đạt tiêu chuẩn quốc tế khi đạt tiêu chí đón trên 500.000 lượt du khách/năm, doanh thu 500.000 USD/năm.
Tại buổi làm việc, đại diện các cơ sở đang triển khai du lịch canh nông tại các địa phương ở Lâm Đồng mong muốn được tháo gỡ các “nút thắt” như làm sao để có thể xây dựng được công trình trên mô hình du lịch canh nông, có thể đón khách lưu trú để trải nghiệm lâu hơn... trong bối cảnh phần lớn các mô hình toàn bộ là đất nông nghiệp.
Theo ông Phạm S, dù là địa phương đi đầu trong cả nước triển khai du lịch canh nông (du lịch hình thành trên nền tảng nông nghiệp công nghệ cao) nhưng hiện nay loại hình này tại Lâm Đồng vẫn còn nhiều hạn chế như quy mô diện tích quá nhỏ, không đủ điều kiện xây dựng các hạ tầng, các đơn vị làm du lịch canh nông chưa định hướng được chiến lược dài hạn, nhân lực chưa được đào tạo bài bản.
Bên cạnh đó, việc vướng nhiều quy định của pháp luật liên quan đến luật đất đai, xây dựng, du lịch nên phần lớn người dân không thể đáp ứng được yêu cầu khi triển khai, hoặc làm du lịch canh nông sẽ vi phạm các quy định về xây dựng, đất đai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cũng giao các Sở TNMT, VH-TT-DL, KH-ĐT xây dựng bộ tiêu chí về du lịch canh nông để người dân có cơ sở để triển khai, không quá thách thức, viển vông, đảm bảo quy định PCCC, an toàn tính mạng du khách. Đối với các địa phương, căn cứ quy định hiện hành, chương trình hỗ trợ của tỉnh tiếp tục thông tin để người dân tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ (khuyến công, khuyến nông, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ nông nghiệp)…