Tham vọng tăng kim ngạch xuất khẩu
Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, do tác động từ Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố chỉ đạt 44,9 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2020. Hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ yếu của thành phố đều giảm kim ngạch, như Trung Quốc giảm 8,7%, Hoa Kỳ giảm 2,3%, Nhật Bản giảm 14,7% và EU giảm 0,8%...
Hiện những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố được xác định là nhóm hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác, dệt may, giày dép, nông thủy hải sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, cà phê.
Về thị trường xuất khẩu, dẫn đầu vẫn là thị trường Trung Quốc, kế đến là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia ASEAN. Để tăng giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu, thành phố cũng định hướng lấy chất lượng tăng trưởng làm nền tảng, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và xuất khẩu dịch vụ, hàng hóa vô hình (phần mềm, sản phẩm nội dung số...).
Đồng thời, đẩy mạnh liên kết vùng, phối hợp chuyển dịch sản xuất hàng xuất khẩu đến các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị. Thành phố cũng tập trung phát triển nhóm hỗ trợ xuất nhập khẩu như logistics, xúc tiến thương mại, dịch vụ tài chính, pháp lý…, nhất là tiến tới tái cơ cấu thị trường nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết.
Đẩy nhanh gói hỗ trợ tài chính
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TPHCM, nhấn mạnh, Chính phủ và TPHCM cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất,... nhất là giảm thuế giá trị gia tăng và tăng hỗ trợ an sinh xã hội để góp phần làm tăng tổng cầu của thị trường.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng liên quan cần tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Lựa chọn một số mặt hàng tiềm năng để thiết kế và thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại riêng vào các thị trường có nhu cầu phù hợp. Mặt khác, phát triển chuỗi dịch vụ logistics, hệ thống kết nối dữ liệu, thương mại điện tử đáp ứng nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn, quy định của nước nhập khẩu.
Ở góc độ khác, ông Huỳnh Văn Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TPHCM, nhấn mạnh, để hỗ trợ năng lực cho doanh nghiệp trong ngành logistics, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng cần ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp logistics Việt Nam, nhất là doanh nghiệp đầu ngành, để giúp doanh nghiệp logistics từng bước nâng cao năng lực cung ứng. Ngược lại, ngành logistics sẽ hỗ trợ sự phát triển quốc gia về sản xuất, xuất nhập khẩu và thương mại, tạo sự cộng hưởng nhằm ổn định nền kinh tế và nâng tầm giá trị của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam, cho biết, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của các doanh nghiệp tại TPHCM. Do vậy, USAID luôn xem TPHCM là đối tác chiến lược trong các hoạt động tạo thuận lợi thương mại.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thành phố, USAID thông qua dự án “Tạo thuận lợi thương mại” (USAID TFP) để tập trung tháo gỡ những khó khăn liên quan đến các vấn đề như đơn giản hóa và hài hòa hóa các chính sách, thủ tục giữa các cơ quan. Quan trọng hơn, trong 6 địa phương được lựa chọn triển khai dự án USAID TFP, TPHCM là địa bàn trọng điểm được USAID quan tâm hàng đầu trong việc tạo thuận lợi thương mại và thành lập ban tạo thuận lợi thương mại tại địa phương…
Riêng tại hội thảo này, những ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan hữu quan là cơ sở để USAID xây dựng các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Chiều 18-1, tại Hà Nội, Bộ KH-ĐT phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) chính thức khởi động dự án “Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPS-C)”. ANH PHƯƠNG |