Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã có công văn “KHẨN” số 289/UBND-ĐT “Về kế hoạch phát triển nhà ở TPHCM năm 2019” gửi các sở - ngành chức năng. Theo đó, giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát Nghị định 99/2015 và các nội dung, yêu cầu của kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 đã được UBND TPHCM phê duyệt tại Quyết định số 5087 ngày 14-11-2018; chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện kế hoạch phát triển nhà ở 2019 theo các nội dung nêu trên (lập danh mục cụ thể các dự án phát triển nhà ở, lập quy chế quản lý kiến trúc đô thị, công khai thông tin, chỉ tiêu quy hoạch để phát triển nhà ở riêng lẻ từng khu vực, rà soát quỹ đất 20% đất ở trong các dự án nhà ở thương mại 10ha trở lên để đầu tư nhà ở xã hội…). Rà soát, tham mưu cho UBND TPHCM cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các dự án phát triển nhà ở vào danh mục phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020, làm cơ sở để chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư cho các dự án trên địa bàn thành phố theo đúng quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo việc phát triển nhà ở được công khai, minh bạch, bền vững, không gây quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của thành phố.
Sở dĩ TPHCM có động thái trên là bởi nhiều năm trước đó, hàng loạt dự án nhà ở được triển khai nhưng vẫn không có trong danh mục “Chương trình phát triển nhà ở”. Thực tế cho thấy, có những dự án nhà ở đã được chủ đầu tư đền bù 100%, dự án được phê duyệt tỷ lệ 1/500 và hàng loạt thủ tục khác, nhưng hiện nay phải quay sang chờ chính quyền thành phố bổ sung vào “danh mục kế hoạch phát triển nhà ở” của TPHCM để được công nhận chủ trương đầu tư.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN), quá trình xin cập nhật, bổ sung này quá gian nan, trong khi dự án về mặt thủ tục xem như đã gần xong, trên thực tế chủ đầu tư cũng đã tiến hành san lấp mặt bằng, đầu tư một số hạng mục hạ tầng… nhưng bỗng dưng “đứng khựng”, vì chưa được công nhận chủ trương đầu tư.
Đại diện một DN cho biết, “chương trình phát triển nhà ở” được phê duyệt chỉ mang tính tương đối trong một giai đoạn. Bởi có những dự án được đưa vào danh mục nhưng chủ đầu tư vì lý do nào đó không thể triển khai trong giai đoạn đó; trong khi đó, một dự án khác chủ đầu tư đã chuẩn bị đầy đủ thủ tục, đảm bảo năng lực để triển khai thì hoàn toàn có thể bổ sung, thay thế cho dự án không triển khai. Việc làm này hoàn toàn phù hợp và đúng đắn, nhưng không hiểu vì lý do gì mà DN vẫn gặp quá nhiều nhiêu khê khi xin bổ sung vào danh mục?