Chiều 24-5, Đoàn khối Dân – Chính – Đảng TPHCM phối hợp với Quận đoàn 4 tổ chức diễn đàn kết nối công chức trẻ với chủ đề “Chuyện ở phường”.
Cán bộ ở phường áp lực nhiều, chế độ chính sách ít
Phát biểu tại diễn đàn, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo cho rằng, chuyện ở phường là một đề tài rất lớn, bởi phường là nơi gần dân nhất, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với người dân. Và trong đại dịch Covid-19 vừa qua, phường là pháo đài chống dịch, nhiều vấn đề ở phường đặt ra được cấp trên quan tâm và từng bước tháo gỡ. Song, những khó khăn ở phường còn rất nhiều, phải gỡ nhanh hơn nữa.
”Cán bộ làm việc ở phường rất áp lực, trong khi chế độ chính sách rất ít. Công tác ở phường cũng phải thi công chức, trong khi có người làm ở phường hết tuổi thanh xuân, không có chỗ để lên, rất khó trong phát triển”, đồng chí Phạm Phương Thảo nhấn mạnh.
Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM cũng đánh giá, làm việc ở phường được người dân giám sát rất chặt chẽ nên rất ít tiêu cực, trong khi việc phân công, phân cấp không rõ cũng dẫn đến cán bộ phường bị đổ lỗi khi có sai phạm. Ngoài ra, số lượng công chức phường không nên cào bằng 15 người mà phải theo đặc điểm, tính chất và quy mô của phường. Bà Phạm Phương Thảo mong muốn qua diễn đàn cũng như các ý kiến đóng góp để tìm ra giải pháp, đề xuất chính sách của phường duy trì bằng hoặc cao hơn hiện nay cũng như đề xuất cơ chế tự chủ tài chính cho phường.
Chia sẻ tại diễn đàn, nhiều ý kiến đã nêu bật những khó khăn cũng như tâm tư của cán bộ trẻ ở các phường trên địa bàn quận 4. Theo bà Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND phường 2 (quận 4), sau khi sáp nhập phường, ngoài việc dân số đông hơn thì địa phương còn gặp khó khăn do nhân sự cũ nghỉ việc, dẫn đến khối lượng công việc rất lớn. Do đó, bà kiến nghị cần bổ sung nhân sự cho địa phương; có cơ chế điều chỉnh mức phụ cấp thêm giờ phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo thu nhập để thu hút người làm việc tại phường.
Liên quan đến công tác chuyển đổi vị trí làm việc đối với cán bộ, công chức phường, Bí thư Đảng ủy phường 1 (quận 4), Đỗ Chí Chinh cho rằng, việc thực hiện chuyển đối vị trí làm việc để phòng chống tham nhũng là chủ trương đúng, cũng gây xáo trộn nhân sự của đơn vị và ảnh hưởng đến công tác bố trí, sử dụng cán bộ. Trong khi đó, cán bộ thuộc diện luân chuyển luôn có tâm lý không gắn bó; thời gian luân chuyển ngắn, ảnh hưởng đến việc tiếp nhận và thực thi công việc.
Ông Chinh cho rằng cần kéo dài thời hạn định kỳ luân chuyển để cán bộ an tâm công tác và thuận lợi cho cấp ủy trong công tác quy hoạch cán bộ.
Cần hướng mở cho cán bộ Đoàn
Cũng theo chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, quy định về tiếp nhận các cán bộ vào công chức ngạch chuyên viên không qua thi cũng đang gây khó khăn cho cán bộ trẻ, nhất là cán bộ Đoàn. Theo quy định, trường hợp được tiếp nhận phải có 5 năm giữ chức vụ trưởng đoàn thể và có bằng tốt nghiệp đại học đủ 5 năm. Trong khi, đối với cán bộ làm công tác Đoàn, ngoài yêu cầu trình độ còn bị chi phối bởi độ tuổi. Thực tế, những người đủ tuổi thì thiếu kinh nghiệm, thiếu thời gian tốt nghiệp đại học đủ 5 năm còn người có kinh nghiệm nhiều năm, đủ điều kiện xét thì lại vượt quá độ tuổi để tham gia vào nhân sự trong hệ thống Đoàn cấp quận. Qua đó, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị có hướng mở riêng cho đội ngũ cán bộ Đoàn để đảm bảo quyền lợi cho đối tượng này trong công tác.
Đồng thuận với ý kiến của chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM Trương Minh Tước Nguyên thông tin, Thành đoàn đã tiếp nhận rất nhiều ý kiến của cán bộ Đoàn về điều kiện xét tuyển công chức. Trong đó, nhiều câu hỏi đặt ra rằng quy định phải có bằng đại học đủ 5 năm còn phù hợp không hay chỉ cần 5 năm đó có bằng đại học là được. "Thành đoàn cũng đã có ý kiến với các cơ quan liên quan, nếu gỡ được chỗ này thì hỗ trợ rất nhiều cho cán bộ Đoàn ở cơ sở", anh Trương Minh Tước Nguyên nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về quy định độ tuổi cán bộ Đoàn, anh Trương Minh Tước Nguyên cho biết, thực tế nhiều cán bộ đoàn ở các địa phương tương đối lớn tuổi, có người trên 40 tuổi. Do đó, quy định về độ tuổi cũng nhằm mục đích trẻ hoá tuổi Đoàn. Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM Trương Minh Tước Nguyên khẳng định Thành đoàn TPHCM sẽ tiếp thu các ý kiến tại diễn đàn và trao đổi với các sở, ngành để góp thêm tiếng nói đến lãnh đạo Thành phố trong kiến nghị các cơ chế, chính sách phù hợp hơn với TPHCM.
Thông tin tại diễn đàn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, hiện TPHCM có nhiều xã có trên 50.000 dân, trong đó có 4 phường, xã trên 100.000 dân. Trong nghị quyết kiến nghị thay thế Nghị quyết 54, Thành phố sẽ đề xuất cơ chế riêng về cơ cấu số lượng cán bộ, công chức cho những phường, xã đông dân. Về thu nhập của cán bộ không chuyên trách, Sở Nội vụ TPHCM đã tham mưu UBND TPHCM trình HĐND TPHCM tăng tiền khuyến khích đại học. Theo đó, cán bộ không chuyên trách cấp phường, xã có trình độ đại học sẽ được 1 triệu đồng/tháng, trên đại học là 1,5 triệu đồng/tháng. Đồng thời đề xuất mức hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách cấp phường, xã là 1 triệu đồng/tháng. |