Hai năm trở lại đây, các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa liên tục được thành lập, tái lập, như: Sân khấu Cải lương mới Đại Việt, Sân khấu Chí Linh - Vân Hà, Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, Đoàn cải lương tuồng cổ Đồng Ấu Bạch Long, Đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ - Thanh Sơn, Sân khấu Vũ Luân, Sân khấu Lê Nguyễn Trường Giang, Công ty TNHH Giải trí Gia Bảo… Bên cạnh đó, những vở cải lương mới được đầu tư như Cô đào hát (tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc, phỏng tác theo truyện ngắn Người đàn bà đức hạnh của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, chuyển thể và đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ, Sân khấu cải lương mới Đại Việt), sẽ sáng đèn vào cuối tháng 8-2023; hay Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang liên tục tổ chức các chương trình nghệ thuật cổ nhạc, đờn ca tài tử, trích đoạn cải lương, diễn định kỳ trước sảnh nhà hát phục vụ khán giả miễn phí vào những ngày cuối tuần… - là những điểm sáng.
Tuy nhiên, những năm qua, sân khấu còn hiếm hoi các vở cải lương lịch sử. NSƯT Vân Hà tâm sự: “Việc dựng một tuồng cải lương lịch sử luôn đòi hỏi sự đầu tư rất lớn từ kinh tế, nhân lực, quy mô, công tác quảng bá tiếp cận khán giả… những điều đó đều quá tầm tay của một đơn vị xã hội hóa mà điển hình như với Sân khấu Chí Linh - Vân Hà của chúng tôi”. Đó cũng là khó khăn chung của các đơn vị làm nghệ thuật cải lương hiện nay. Việc đầu tư dàn dựng, công diễn một vở tuồng chính sử không hề dễ dàng, từ yêu cầu chỉn chu và chuẩn xác, đến thiết kế phục trang theo đúng triều đại, thời kỳ, giai đoạn lịch sử…, nhưng phải đảm bảo thỏa mãn được cả phần nghe - nhìn, đáp ứng tốt nhu cầu giải trí hiện đại của khán giả hôm nay.
Trong khi kịch bản cải lương lịch sử mới sáng tác quá khan hiếm thì các kịch bản cũ, đã nổi tiếng, không phải kịch bản nào các sân khấu cũng có thể đủ nội lực để có thể đầu tư dàn dựng, tái dựng với phiên bản mới. Khó có những thay đổi hợp thời vượt qua được cái bóng quá lớn của phiên bản cũ. Trong quá khứ, sàn diễn cải lương thành phố từng gây bao nhung nhớ cho khán giả với các vở cải lương sử Việt như: Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga, Câu thơ yên ngựa, Tô Hiến Thành xử án, Bức ngôn đồ Đại Việt… Những năm sau này, sân khấu TPHCM từng sáng đèn các vở: Rạng Ngọc Côn Sơn, Trung thần, Đêm trước ngày hoàng đạo, Nguyễn Hữu Cảnh, Thủy chiến Bạch Đằng Giang…
Để tuồng cải lương sử Việt được đầu tư dàn dựng chất lượng, hấp dẫn, quy mô và sáng đèn thường xuyên, theo nhiều nghệ sĩ và khán giả mộ điệu, cần lắm một chính sách đặc biệt mang tính “bảo tồn và quảng bá” trong đời sống văn hóa - xã hội. Nhà nước cần đầu tư cho các đơn vị nghệ thuật có đủ khả năng dàn dựng các tác phẩm, vở diễn, và sau đó là công diễn phục vụ miễn phí, quảng bá và lan tỏa các tác phẩm sân khấu cải lương lịch sử, vở tuồng kinh điển đến với giới trẻ, sinh viên, học sinh, người lao động, công nhân viên chức…
Từ đó, không chỉ góp phần gìn giữ, phát huy giá trị nội dung, tinh thần và tính nghệ thuật của các vở diễn, mà còn góp phần khơi gợi tinh thần yêu nước, tri ân các anh hùng lịch sử dân tộc. Bên cạnh đó, giúp các ê kíp và nghệ sĩ trẻ được thử thách bản thân khi hóa thân vào các vai diễn sân khấu tiêu biểu, mang tính mẫu mực, kinh điển, theo dấu chân của các nghệ sĩ tiền bối tài danh đi trước, giúp phát huy và tôi luyện các tài năng, làm đa dạng và phong phú hoạt động tổ chức biểu diễn của sân khấu nghệ thuật truyền thống.