Công việc tăng, thu nhập giảm
Từ ngày 10 đến 22-1, các trường THCS và THPT trên địa bàn TPHCM tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh cuối học kỳ 1. Trước đó, theo thầy Ngô Huy Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường THPT Phước Kiển (huyện Nhà Bè), để đảm bảo quy định về giãn cách học sinh, trường ưu tiên phòng học dạy 5 buổi/tuần đối với học sinh khối 12, riêng 2 khối 10 và 11 chỉ học 3 buổi/tuần. “Sở GD-ĐT thành phố quy định học sinh phải đến trường học trực tiếp mới được tham gia kiểm tra trực tiếp. Thời gian đến trường chỉ vài buổi ít ỏi, trong khi các em đã có gần cả học kỳ 1 học trực tuyến nên nhà trường cố gắng sắp xếp tất cả môn học vào các buổi học trực tiếp để giáo viên ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh”, thầy Ngô Huy Tuấn cho biết.
Mặc dù năm nay đề kiểm tra chủ yếu ở 2 mức độ nhận biết và thông hiểu, ít câu hỏi vận dụng cao, nhưng vì thời gian ôn tập quá ngắn nên thầy và trò phải “vắt chân lên cổ” hệ thống, bổ sung kiến thức và giải đáp thắc mắc cho học sinh. Cô Trần Thị Thu Trâm, Phó hiệu trưởng Trường THPT Phước Kiển, thông tin, thời gian đầu thí điểm dạy học trực tiếp cho học sinh khối 12, mỗi lớp học được tách thành 2 phòng. Giáo viên dạy học ở phòng này thì giao bài tập cho học sinh ở phòng kia, luân phiên “chạy qua chạy lại” giữa 2 phòng. Ngoài ra, đối với các trường hợp học sinh là F0, học sinh có ba mẹ chưa đồng thuận việc đến trường, giáo viên sẽ giao bài tập hoặc tổ chức giờ phụ đạo thêm vào cuối tuần. Như vậy, thay vì phụ trách một lớp học như trước đây, thì trong giai đoạn này, khối lượng công việc của giáo viên tăng lên 2-3 lần, làm việc cả thứ bảy, chủ nhật.
Trong khi đó, hiện nay trường học không có bất kỳ khoản thu nào do học phí buổi 1 chưa được ngân sách TPHCM cấp bổ sung, học sinh chỉ học 1 buổi/ngày nên không có tiền thu buổi 2. Phó hiệu trưởng một trường THPT ở quận 10 tâm tư: “Để triển khai song song 2 hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến, các thầy cô phải bồi dưỡng thêm về chuyên môn, mất nhiều thời gian hơn cho việc soạn giáo án, nhưng tất cả đều đang làm với tinh thần trách nhiệm, động viên nhau là chính, chứ chưa có bất kỳ hỗ trợ nào”. Còn cô Hồ Thị Ngọc Sương, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (quận 1) bày tỏ, cường độ lao động của giáo viên hiện nay tăng hơn trước rất nhiều. Trong đó, ở tất cả khối lớp, giáo viên bộ môn phải tập trung học sinh chưa theo kịp chương trình, học sinh không tham gia dạy học trực tiếp do phụ huynh không đồng thuận, hoặc học sinh từ các tỉnh, thành khác mới trở lại TPHCM để củng cố, bổ sung kiến thức cho các em.
“Trường chúng tôi có đội ngũ giáo viên trẻ giàu nhiệt huyết nhưng lương cơ bản của các thầy cô chỉ 4-5 triệu đồng/tháng. Dạy học trực tuyến tốn kém hơn trực tiếp do thầy cô phải bỏ tiền túi mua sim 3G, trang bị thêm laptop, công cụ hỗ trợ dạy trực tuyến…, khiến một số thầy, cô không trụ nổi với nghề. Hiện nay, Sở GD-ĐT TPHCM đã cho phép quy đổi giờ dạy trực tuyến ra trực tiếp để tăng thêm thu nhập phụ trội cho giáo viên, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể nên không áp dụng được”, cô Hồ Thị Ngọc Sương trăn trở.
Bài toán y tế trường học
Qua ghi nhận ở các quận, huyện, tỷ lệ các trường tiểu học, THCS hiện nay không có biên chế nhân viên y tế khá lớn, khiến các trường phải sử dụng đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm, vừa tăng thêm khối lượng công việc, vừa áp lực cho giáo viên. Cô Lê Thị Bình, Trưởng phòng GD-ĐT quận 1, cho biết, toàn quận hiện có 3 nhân viên y tế định biên, 23 trường hợp làm việc theo hợp đồng lao động có bằng cấp chuyên môn đầy đủ, còn lại là giáo viên trong trường kiêm nhiệm. Tương tự, tại huyện Nhà Bè, Trưởng phòng GD-ĐT Lê Thị Oanh chia sẻ, địa phương có 16/35 trường có biên chế nhân viên y tế (tỷ lệ 45,7%), còn lại là đội ngũ kiêm nhiệm.
Hiện nay, UBND TPHCM đã cho phép các địa phương tuyển dụng nhân viên y tế trường học. Tuy nhiên, các trường vẫn gặp khó vì 4 vị trí gồm văn thư, kế toán, thủ quỹ và y tế chỉ được sử dụng 2 biên chế nhân sự. Song song đó, yêu cầu tuyển dụng ứng viên phải có bằng đào tạo chuyên môn từ trung cấp trở lên nên nhiều trường hợp ứng viên tham gia xét tuyển có bằng cấp điều dưỡng, dược sĩ không đảm bảo yêu cầu. Đối với các quận ở trung tâm thành phố, nếu may mắn tuyển được nhân viên y tế, trường học cũng đau đầu trong việc giữ chân nhân sự do thu nhập của vị trí việc làm này ở khối trường công lập khá thấp, không cạnh tranh nổi với khối ngoài công lập, bệnh viện, phòng khám tư nhân…
Trước thực tế trên, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng đề nghị ngành giáo dục quan tâm nhiều hơn đến vấn đề biên chế nhân viên y tế học đường, vì đây là một trong những nhiệm vụ cấp thiết để bảo vệ sức khỏe lâu dài của học sinh. Trong thời gian chờ đợi những quy định căn cơ hơn về biên chế nhân viên y tế, Sở Y tế sẽ phối hợp với Sở GD-ĐT thành phố tổ chức tập huấn, thậm chí “cầm tay chỉ việc” đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm y tế ở các trường học để kịp thời hỗ trợ chăm sóc sức khỏe học sinh.