Nhiều kiến nghị cũ
Thay mặt các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HOREA), cho biết, so với trước đây năm nay có thêm một kiến nghị của Công ty cổ phần Gamuda Land. Đó là trong khi chờ Thủ tướng quyết định về khoản khấu trừ 514 tỷ đồng theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, thời gian qua, các hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của công ty này trong 10 năm hoạt động tại Việt Nam.
Làm nóng hội trường về vấn đề nhà ở xã hội (NOXH), ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng đầu tư BĐS Lê Thành, nêu quan điểm: “Chúng tôi đang cân nhắc có làm NOXH nữa không. Vì quá nhiều thủ tục khó khăn, nên nhiều người khuyên tôi chuyển sang làm nhà ở thương mại cho an toàn”. Tại dự án NOXH Lê Thành Tân Kiên, huyện Bình Chánh, dù đã được UBNDTP chỉ đạo trực tiếp tháo gỡ vướng mắc nhưng sau 3 năm thực hiện dự án, nay lại bắt đầu bước vào “bước thứ nhất”.
Mặc dù, có quy định thời gian xử lý hồ sơ của cơ quan chức năng là 215 ngày nhưng thực tế việc xử lý hồ sơ có thể kéo dài hơn rất nhiều vì hồ sơ phải “chạy” giữa các sở ngành, quận huyện. Thậm chí, một văn bản từ phòng quản lý đô thị lên UBND quận huyện phải mất vài tháng. Chưa kể, dù dự án NOXH, do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư từ đầu đến cuối, nhưng lại bị kiểm toán như một dự án sử dụng vốn nhà nước. Khi kiểm toán vào cuộc lại “bắt giò” quá chi li, như trước khi bán phải đăng báo, nhưng lại quy định khắt khe là đăng báo nào, nếu đăng sai sẽ bị phạt; việc xác nhận thu nhập, xác nhận có nhà chưa, không phải thẩm quyền của chủ đầu tư nhưng kiểm toán lại nghi ngờ… “Toàn lỗi lặt vặt nhưng cũng bị phạt nhiều tiền, làm nản lòng chủ đầu tư”, ông Lê Hữu Nghĩa phân trần.
Công ty Lê Thành là một trong 20 doanh nghiệp có kiến nghị lên TP qua sự tổng hợp của HOREA. Qua danh sách này có thể thấy, nhiều vụ việc chủ đầu tư nêu lên tại các cuộc họp với lãnh đạo TP trong những năm qua, nhưng cứ lặp đi lặp lại vì không được giải quyết, hoặc giải quyết rất chậm. Đối với Công ty cổ phần Tập đoàn địa ốc NOVA, trong tổng số 14 dự án vướng mắc, chỉ giải quyết được 4 dự án.
Giảm mạnh dự án, căn hộ cao cấp lên ngôiBáo cáo tại hội nghị, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết, nguồn cung nhà ở năm 2020 đưa ra thị trường so với năm 2019 giảm 34% về tổng số dự án, giảm 30,4% về tổng số căn nhà. Thị trường giao dịch chậm, không có dự án nào được UBNDTP cho phép chuyển nhượng. Đối với dự án đã hoàn thiện pháp lý, đa số các doanh nghiệp lựa chọn phát triển sản phẩm theo phân khúc cao cấp và trung cấp. Điều này dẫn đến cơ cấu sản phẩm mất cân đối, tỷ lệ căn hộ bình dân giảm từ 51% xuống còn 1%, phân khúc căn hộ cao cấp tăng cao nhất, từ 25,2% lên 42,1%. Đây là dấu hiệu lệch pha cung cầu, là dấu hiệu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường BĐS thiếu bền vững, chưa đáp ứng được nhu cầu của đại đa số người dân có thu nhập thấp và trung bình… |
Có “bổ sung hồ sơ nhiều lần”?
Một vấn đề nóng hổi được HOREA đưa ra: “Có dự án dù không vướng đất công nhưng nhà đầu tư “được” Sở KH-ĐT yêu cầu bổ sung hồ sơ nhiều lần, đến nay sở vẫn chưa trình UBND TP để ban hành quyết định chủ trương đầu tư dự án, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn”. Đại diện Sở KH-ĐT giải thích (bằng văn bản) như sau: Trong quá trình xử lý hồ sơ, sở không yêu cầu nhà đầu tư sửa đổi, bổ sung hồ sơ nhiều lần. Tuy nhiên, trong trường hợp sau khi lấy ý kiến các sở ngành, nếu có yêu cầu sở mới có văn bản đề nghị nhà đầu tư bổ sung hồ sơ theo ý kiến của các cơ quan này. Sở KH-ĐT cũng đề nghị trong thời gian tới, nếu có trường hợp sở yêu cầu bổ sung hồ sơ nhiều lần, bất hợp lý, HOREA thông tin để sở có phản hồi kịp thời.
Vậy đối với đất công là đường đi, lối mòn, kênh rạch… nằm rải rác, xen cài trong dự án, đã có hướng dẫn theo Nghị định 148/2020, sẽ xử lý ra sao? Trả lời các doanh nghiệp dự hội nghị, đại diện Sở KH-ĐT cho biết: Sở chỉ có thể xem xét, xử lý các hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư sau khi Sở TN-MT trình UBND TP xử lý các vấn đề liên quan đến việc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án và thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý
Giải quyết vướng mắc cho những dự án đình trệ
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các cơ quan liên quan phải tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ các dự án BĐS vì thời gian qua triển khai rất chậm. Việc chậm trễ này có nguyên nhân, do công tác thanh kiểm tra, kiểm toán, TPHCM phải làm việc rất nhiều, riêng Thanh tra Chính phủ thanh tra 164 dự án, khi thanh tra dự án phải dừng lại. Việc dừng lại ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, có một số dự án liên quan đến đất công, TPHCM cũng phải dừng lại. “Tôi hiểu hiện nay doanh nghiệp BĐS đang đối mặt với nhiều khó khăn. Một ngày chậm trễ là tốn bao nhiêu chi phí, tôi nói anh em ở các sở ngành phải hiểu và chia sẻ điều này”, đồng chí Nguyễn Thành Phong lưu ý.
TPHCM hiện nay có 13 triệu dân, 5 năm tăng thêm 1 triệu người nên áp lực về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội rất lớn. Đây cũng là tiềm năng lớn cho doanh nghiệp BĐS. Ngành BĐS có vai trò, vị trí quan trọng, quan hệ mật thiết với nhiều ngành, nhiều thị trường khác, như vốn, lao động, vật liệu xây dựng… Từ năm 2000, BĐS được xem là một trong 9 nhóm ngành dịch vụ quan trọng của TPHCM; và đến hiện tại, trong số 10.200 doanh nghiệp có vốn từ 100 tỷ đồng trở lên, doanh nghiệp BĐS chiếm 32% và chiếm 35% số vốn. Thống kê cũng cho thấy, trong 9 nhóm ngành dịch vụ quan trọng đóng góp 56,5% GRDP của TPHCM, BĐS chiếm 4,2%, đóng góp 8,2% ngân sách thu nội địa.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định, tháo gỡ khó khăn cho BĐS chính là tháo gỡ cho kinh tế TP phát triển. Lãnh đạo TPHCM cảm thấy trăn trở khi nghe báo cáo hầu hết các doanh nghiệp BĐS khó khăn. Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu, trên cơ sở kiến nghị của các doanh nghiệp, giao Phó chủ tịch UBNDTP Lê Hòa Bình xếp lịch làm việc với các sở ngành để giải quyết từng vấn đề, kết luận cụ thể; 61 dự án đang gặp khó khăn về thủ tục đầu tư giao Giám đốc Sở KH-ĐT nghiên cứu hồ sơ báo cáo tổ công tác đầu tư của TP - chậm nhất đến ngày 15-4 phải hoàn thành.
Xử lý vụ 110 căn biệt thự xây lụiTháng 6-2019, dư luận xôn xao khi nổ ra vụ 110 căn biệt thự xây lụi, vì chưa đóng tiền sử dụng đất. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu các cơ quan chức năng: “Những vấn đề nào xong thì triển khai ngay cho doanh nghiệp, như vụ 110 căn biệt thự của Công ty Hưng Lộc Phát đã có kết luận thanh tra, đã rõ ràng, phải cho phép doanh nghiệp triển khai trở lại, không để chậm nữa”. Vậy tiến trình giải quyết vụ 110 căn biệt thự này như thế nào? "Đối với dự án khác của công ty Hưng Lộc Phát tại Phường Bình Thuận quận 7, đã thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư theo Luật nhà ở. Tuy nhiên hiện nay phải thực hiện lại thủ tục “Quyết định chủ trương đầu tư” theo quy định của Luật Đầu tư. Chủ đầu tư kiến nghị, UBNDTP cho phép không phải làm lại thủ tục “Quyết định chủ trương đầu tư” vì đã được UBNDTP “Chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư” của dự án theo văn bản số 654/UBNDTP- ĐT ngày 12-2-2018. Trong trường hợp làm lại thủ tục “Chấp thuận chủ trương đầu tư” theo Luật Đầu tư 2020 thì Sở KH-ĐT thực hiện theo cơ sở dữ liệu sẵn có trước đây, để rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính, sớm triển khai thực hiện dự án." Chân thành cám ơn. |