Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Trọng Tuấn đánh giá, việc các địa phương chủ động thực hiện cấp phép xây dựng tạm không chỉ giải quyết bức xúc cho người dân mà còn giúp kéo giảm tình trạng xây dựng không phép.
Người dân sống tại khu quy hoạch “treo” dự án mở rộng khu lâm trại Suối Tiên (quận 9, TPHCM)
Dân thở phào nhẹ nhỏm
Ông L.T.T. cùng gia đình sống trong căn nhà cấp 4 ở phường Tam Phú, quận Thủ Đức được xây dựng từ trước năm 2006. Căn nhà này đã xuống cấp trầm trọng nên trước mùa mưa năm 2017, ông T. tính xin phép xây lại để vừa nâng nền chống ngập vừa giải quyết nhu cầu ở do con cái đã lớn. Tuy nhiên, khi ông T. liên hệ cơ quan chức năng để xin phép xây dựng thì không được giải quyết. Lý do được đưa ra là căn nhà này dù đã được cấp số nhà nhưng nằm trong khu vực đất quy hoạch làm công trình công cộng. “Tôi đứng ngồi không yên trong thời gian dài vì nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, nếu không kịp xây lại thì cuộc sống trong gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là vào những lúc mưa, triều cường. Đến tháng 8-2017, tôi mới biết TPHCM có chủ trương cho phép xây lại nhà ở có sẵn trong khu quy hoạch nên đến UBND phường Tam Phú và quận Thủ Đức làm thủ tục xin phép. Hiện tôi đang chờ nhận giấy phép xây lại nhà mới với quy mô 1 trệt, 1 lầu”, ông T. hồ hỡi nói. Theo UBND quận Thủ Đức, tại địa phương có nhiều khu vực đã được phê duyệt quy hoạch 1/2000 nhưng chưa thực hiện, cũng chưa có quyết định thu hồi đất. Do quy hoạch bị “treo” lâu năm, trong khi nhiều nhà dân ở các khu vực này đã xuống cấp, gây bức xúc. Suốt thời gian dài, quận phải tạm ngưng nhận giải quyết hồ sơ xin cấp phép xây dựng, dù biết rằng nhu cầu của người dân là có thật. Sau khi UBND TPHCM ban hành Quyết định 26/2017 (có hiệu lực từ ngày 30-6-2017) về việc cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ có thời hạn (còn gọi giấy phép xây dựng tạm - PV), quận mới bắt đầu triển khai tiếp nhận, giải quyết các trường hợp như của ông T. nêu trên. Tính đến nay, UBND quận Thủ Đức đã cấp hơn 130 giấy phép xây dựng tạm. Nhận xét về việc triển khai Quyết định 26/2017, Sở Xây dựng cho biết, ban đầu các địa phương gặp lúng túng khi thực hiện, thậm chí không giải quyết cấp giấy phép xây dựng tạm. Nhưng nay, tất cả các quận huyện đều đã thực hiện. Tính đến nay, huyện Hóc Môn là địa phương cấp phép nhiều nhất (hơn 900 giấy phép); kế đến là UBND huyện Củ Chi (hơn 140 giấy phép), UBND quận Thủ Đức (khoảng 135 giấy phép)… Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cho rằng, UBND huyện Hóc Môn có sự chủ động trong việc giải quyết cấp phép xây dựng tạm cho người dân nên ít gặp trở ngại trong việc triển khai thực hiện. Huyện này cũng là địa phương đầu tiên triển khai quyết định về cấp phép xây dựng tạm đến các lực lượng trong hệ thống chính trị của huyện nhằm tạo sự thống nhất và đồng thuận trong việc triển khai.Kiến nghị mở rộng diện cấp phép xây dựng tạm Theo Quyết định 26/2017, các trường hợp được cấp phép xây dựng tạm để sửa chữa theo hiện trạng hoặc xây mới gồm: nhà, đất nằm trong phạm vi quy hoạch dành cho giao thông đã được phê duyệt và công bố nhưng chưa có quyết định thu hồi đất để thực hiện theo quy hoạch. Nhà ở riêng lẻ hiện hữu trên đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư mà hộ gia đình, cá nhân xây dựng, sử dụng ổn định trước ngày 1-7-2006; công trình, nhà ở hiện hữu nằm trong hành lang bảo vệ cầu… Ngoài ra, Quyết định 26/2017 cũng quy định cấp giấy phép xây dựng tạm cho công trình, nhà ở hiện hữu trong khu vực có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 để tạo điều kiện cho người dân an cư lạc nghiệp, cải thiện cuộc sống. Theo đánh giá của Sở Xây dựng, việc Quyết định 26 được triển khai sau thời gian các quận huyện tạm ngưng cấp phép xây dựng tạm, đã giải quyết phần nào nhu cầu về nhà ở cho người dân trong các khu quy hoạch treo. Tuy nhiên, theo nhiều địa phương, nhất là khu vực ngoại thành như huyện Bình Chánh, Nhà Bè, quận 9… Quyết định 26 vẫn chưa gỡ hết các vướng mắc cho người dân. Nhiều nơi, tại các địa phương trên có diện tích đất nông nghiệp lớn và theo Quyết định 26 thì không cấp phép (tạm) xây nhà trên đất nông nghiệp. Đơn cử, hàng ngàn hộ dân ở xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) không thể xây nhà do vướng quy hoạch thực hiện dự án Khu đô thị cảng Hiệp Phước. Theo quy hoạch, Khu đô thị cảng Hiệp Phước có tổng diện tích hơn 3.900ha (gồm toàn bộ xã Hiệp Phước với hơn 3.100 hộ dân và một phần xã Long Thới). “Năm 2004, TPHCM công bố quy hoạch dự án Khu đô thị cảng Hiệp Phước thì các quyền lợi về nhà, đất của người dân bị hạn chế. Đến năm 2007, TPHCM có chủ trương dừng việc chuyển mục đích sử dụng đất. Trước đó, người dân không quan tâm chuyển mục đích sử dụng đất nên hầu hết đất ở xã hiện nay đều là đất nông nghiệp. Toàn bộ diện tích đất ở xã đều thuộc dự án Khu đô thị cảng Hiệp Phước nên không trường hợp nào được cấp giấy phép xây dựng chính thức. Khu vực có đất ở cũng chỉ cấp phép xây dựng tạm”, ông Nguyễn Duy Thanh, Chủ tịch UBND xã Hiệp Phước, thông tin. Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Nguyễn Văn Lưu cho biết, hiện nay vẫn chưa biết khi nào dự án Khu đô thị cảng Hiệp Phước ở xã Hiệp Phước được triển khai. Vì vậy, người dân tiếp tục không được thực hiện các quyền chuyển mục đích sử dụng, xin phép xây dựng trên đất nông nghiệp, trong khi nhu cầu cho con cái ra riêng, xây nhà để ở rất lớn. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của người dân, UBND huyện Nhà Bè kiến nghị Sở Xây dựng tham mưu UBND TPHCM có chủ trương đặc thù đối với xã Hiệp Phước, cho phép người dân xã này được xây dựng tạm và có cam kết tự tháo dỡ công trình khi có yêu cầu.
Trao đổi với báo chí, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhận xét, việc cấp phép xây dựng tạm trong vùng quy hoạch là quyết định hợp lý nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân. Tuy nhiên, việc cấp phép xây dựng tạm trên đất nông nghiệp ở xã Hiệp Phước như đề nghị của UBND huyện Nhà Bè cần phải cân nhắc thêm vì trước đó TPHCM đã có chủ trương dừng việc chuyển mục đích sử dụng đất. Ông Võ Văn Hoan cũng cho rằng, các chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ các dự án, sớm hoàn thành thủ tục pháp lý để bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân ổn định cuộc sống. Nếu chậm trễ thực hiện sẽ xem xét giải quyết cấp giấy phép xây dựng tạm cho người dân theo đúng quy định và nếu dự án cứ kéo dài thì sau này khi giải tỏa, có khi phải xem xét, tính toán giá trị xây dựng tạm đó cho người dân khi bị thu hồi, giải tỏa thực hiện dự án.
Ông Lê Hòa Bình, Chủ tịch UBND quận 7 nhận xét, Quyết định 26/2017 đã đáp ứng phần nào về nhu cầu của người dân ở các khu vực quy hoạch nhưng chưa triển khai thực hiện. Tuy nhiên, điều quan trọng là ngoài việc cấp phép xây dựng tạm, thì Sở QH-KT và các địa phương cần rà soát các đồ án quy hoạch và điều chỉnh các quy hoạch không còn phù hợp thực tế hoặc thiếu tính khả thi để có cơ sở cấp phép chính thức cho người dân.
Ông Lê Hòa Bình, Chủ tịch UBND quận 7 nhận xét, Quyết định 26/2017 đã đáp ứng phần nào về nhu cầu của người dân ở các khu vực quy hoạch nhưng chưa triển khai thực hiện. Tuy nhiên, điều quan trọng là ngoài việc cấp phép xây dựng tạm, thì Sở QH-KT và các địa phương cần rà soát các đồ án quy hoạch và điều chỉnh các quy hoạch không còn phù hợp thực tế hoặc thiếu tính khả thi để có cơ sở cấp phép chính thức cho người dân.