“Cởi trói” cho nhà đầu tư
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra với khối lượng công việc lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đây cũng là kỳ họp đầu tiên có trách nhiệm về thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 10 khóa XIII, khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.
Công tác lập pháp là nội dung trọng tâm, chiếm phần lớn thời gian của kỳ họp, với 31 dự án luật, dự thảo nghị quyết được thảo luận. Trong đó, Quốc hội xem xét, phấn đấu thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.
Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp và cử tri, nhân dân cả nước rất quan tâm. Đặc biệt, kỳ họp xem xét thông qua các dự án luật dùng một luật sửa nhiều luật với phương châm chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực, tăng cường phân cấp, ủy quyền triệt để, thực chất; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (Dự án 1 luật sửa 4 luật), Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, dự án luật này là bước tiến rất lớn trong việc giảm bớt các thủ tục phiền hà cho nhà đầu tư thứ cấp. Tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật của Chính phủ trong nhiệm kỳ này là vừa phải quản lý tốt vừa tạo hành lang thông thoáng, kiến tạo cho sự phát triển.
Dẫn quy định về chấm dứt các dự án "treo" khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, đồng chí Nguyễn Hòa Bình cho rằng, đây là quy định mà các địa phương rất cần. Bởi thực tế các dự án "treo" kéo dài 3-5 năm ở địa phương rất nhiều, gây lãng phí rất lớn. Bên cạnh đó, dự án luật này đã giảm bớt các thủ tục phiền hà đối với các dự án trong khu công nghiệp nhằm tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Kỳ họp này, Chính phủ cũng trình Quốc hội dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Thảo luận tại hội trường ngày 6-11, đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) đánh giá dự án luật này đã hiện thực hóa được những chủ trương tại Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, giao cho địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm. Dự thảo luật đã nghiên cứu, tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn triển khai hoạt động đầu tư công để thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư công.
“Hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội phải “đúng vai, thuộc bài”; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quan hệ giữa các cơ quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, hài hòa trong quy trình quản trị quốc gia. Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội cần thống nhất cao và gương mẫu, đi đầu, đóng góp tích cực, quan trọng xây dựng thể chế phát triển của đất nước với tinh thần đổi mới, cải cách, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân...”, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ trong phát biểu tại lễ khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Đưa chính sách đi vào cuộc sống
Theo dõi các kỳ họp Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ XV đến nay, nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội nhận định, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật. Đặc biệt là việc dùng một luật sửa nhiều luật theo quy trình, thủ tục rút gọn đã giải quyết được những vấn đề cấp bách của đất nước. Dù vậy, để nghị quyết, luật đi vào cuộc sống đòi hỏi trách nhiệm lớn của các cơ quan thực thi từ Chính phủ đến bộ ngành, địa phương.
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhắc lại khi Quốc hội thông qua một luật sửa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng thì Chính phủ, Bộ TN-MT cam kết trong tháng 7-2024 cả Trung ương và địa phương sẽ hoàn thành tất cả các hướng dẫn. Tuy nhiên, đến tháng 9 mới cơ bản ban hành xong nghị định, thông tư và đến bây giờ nhiều địa phương vẫn chưa có hướng dẫn.
“Địa phương chưa hướng dẫn thì làm sao thực hiện được 4 luật này. Đây là vấn đề chúng ta hứa trước Quốc hội, tức là hứa trước quốc dân đồng bào nên phải có cam kết chính trị quyết liệt thực hiện cho đúng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội một lần nữa khẳng định, các nội dung Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp này thì Quốc hội ủng hộ, nhưng đồng thời phải có cam kết chính trị bảo đảm thực hiện nghiêm túc những vấn đề đã hứa.
Trước thực tế tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm qua luôn không đạt yêu cầu và kế hoạch đề ra, kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công nhằm đạt được mục tiêu tháo gỡ những điểm nghẽn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) có vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ những điểm nghẽn hiện nay. Trong đó, yêu cầu sửa đổi luật theo hướng phân cấp, phân quyền, gắn liền với trách nhiệm, thanh tra, giám sát.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, việc sửa đổi Luật Đầu tư công phải tạo ra hiệu quả đầu tư công - một trong những nguồn động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời không để lại hệ lụy, đặc biệt là hệ lụy về công tác cán bộ. Do vậy, khi phân cấp, phân quyền, tính cam kết trách nhiệm của các chủ thể phải gắn liền với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán.
Trao đổi với PV Báo SGGP, PGS-TS Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TPHCM) cho rằng, trong 3 đột phá chiến lược thì hiện nay đột phá về thể chế dù đã nỗ lực nhưng vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Vì vậy, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV tăng cường việc dùng một luật để sửa nhiều luật và thực hiện quan điểm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền để địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm cũng được thể hiện rõ trong Luật Đầu tư công.
Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, qua thực tiễn triển khai các nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương, có những cơ chế được thực tiễn chứng minh là đúng thì lần này cũng được hoàn thiện trong hệ thống luật. Ví dụ như vấn đề về quản lý thương mại điện tử, thuế đối với lĩnh vực thương mại điện tử liên quan Luật Quản lý thuế đã được đề cập trong dự án 1 luật sửa 7 luật, đây là sự điều chỉnh rất kịp thời.
Hay việc tách các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng ra một thành một dự án riêng, đã được TPHCM và các địa phương thí điểm, mang lại hiệu quả đã được áp dụng trong Luật Đầu tư công sửa đổi lần này. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), trong dự án 1 luật sửa 4 luật cũng vậy. Trước đây chỉ cho áp dụng PPP trong một số lĩnh vực thì hiện tại bổ sung cho áp dụng rộng rãi các lĩnh vực; hoặc cho áp dụng trở lại hợp đồng BT, hay BOT trên tuyến đường hiện hữu cũng được quy định trong sửa đổi luật lần này…
“Tất cả những sửa đổi lần này là phù hợp với thực tiễn và đã được chứng minh là đúng qua thực hiện nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương. Điều này thể hiện được sự đồng hành Quốc hội với Chính phủ một cách năng động và linh hoạt để cùng chia sẻ, cùng tháo các điểm nghẽn. Quan trọng hơn là sửa đổi các luật lần này sẽ tháo gỡ được các điểm nghẽn của các dự án đang bị “đóng băng” gây lãng phí hiện nay, để các dự án đi vào cuộc sống”, PGS-TS Trần Hoàng Ngân chia sẻ.
Trong công tác lập pháp, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã thông qua 43 luật, hơn 60 nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành 45 nghị quyết và 3 pháp lệnh. Ngay trong kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội dự kiến tiếp tục thông qua 15 dự luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến vào 13 dự thảo luật, trong đó có 1 luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư...
Thạc sĩ NGUYỄN ĐỨC HIẾU, Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM:
Nâng chất cán bộ xây dựng luật
Việc sửa đổi nhiều luật phản ánh rằng Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm tới vấn đề xây dựng pháp luật, đặc biệt là đảm bảo cho nguyên tắc “Pháp quyền xã hội chủ nghĩa” luôn phát huy mạnh mẽ trong các hoạt động của Nhà nước ta. Trong những kỳ họp gần đây, Quốc hội xem xét, thông qua nhiều luật quan trọng, có tác động lớn tới kinh tế - xã hội, quyền con người và các lĩnh vực khác trong xã hội.
Để “các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài”, trong Quốc hội và các cơ quan ở Trung ương, vấn đề chất lượng cán bộ làm luật có thể được nâng cao bằng cách đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ hiện có, thậm chí cử đi đào tạo nước ngoài nhằm tiếp thu những kỹ thuật lập pháp tiến bộ, khoa học từ đó có thể đưa ra những dự thảo chất lượng, có tầm nhìn và có tính dự báo cao. Trong Quốc hội, cần củng cố hơn nữa số lượng các đại biểu có đào tạo hoặc bồi dưỡng về lập pháp bởi vì Quốc hội chính là “Cơ quan lập pháp” (Making-law organ). Chúng ta cần thẳng thắn rằng một đại biểu có chuyên môn giáo dục, y tế hay kỹ thuật thì khó có thể bằng với một đại biểu có chuyên môn pháp luật.
Đối với bất cứ việc gì của Nhà nước mà có sự tham gia mạnh mẽ của nhân dân thì sẽ cho ra những sản phẩm chất lượng hơn. Xây dựng pháp luật cũng vậy. Việc công khai, minh bạch, tăng cường sự tham gia góp ý hơn nữa, thực chất hơn nữa của nhân dân và các tổ chức, cá nhân khác nhau chắc chắn sẽ cho những luật có sức sống mạnh mẽ và ổn định trong thời gian dài. Mặt khác, không chỉ Quốc hội mà các cơ quan xây dựng pháp luật khác ở cấp Trung ương và địa phương cũng cần xây dựng cơ chế và bộ máy trong việc lắng nghe những phản biện trong quá trình thực thi các luật, thậm chí đặt ra những trách nhiệm của Nhà nước cụ thể cho các cơ quan ban hành ra những văn bản chưa đạt chất lượng nhằm kiểm soát và thúc đẩy những văn bản được thông qua một cách chất lượng, ổn định và lâu dài như mong mỏi của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và nhân dân cả nước.