Kịp thời sửa đổi
Ngay thời điểm Quốc hội thông qua Luật Đất đai 2024 vào đầu năm nay, bà Nguyễn Thị Uyên Phương (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) mừng rỡ khi biết mình sớm cầm trên tay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với mảnh đất có nhà mà bà mua cách đây nhiều năm. Bởi, Luật Đất đai 2024 mở ra cơ hội cho những gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
“Tôi rất mừng vì các cơ quan chức năng đã lắng nghe, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người dân, thay đổi luật để tháo gỡ những khó khăn gặp phải trong những năm qua”, bà Uyên Phương bày tỏ.
Cùng niềm vui khi Luật Đất đai 2024 đã tháo gỡ những vướng mắc quyền sở hữu nhà, đất của người Việt Nam ở nước ngoài bấy lâu nay. Bà Đinh Kim Nguyệt (người Việt Nam tại Canada) cho biết, đây là chính sách được đông đảo đồng bào ta ở nước ngoài quan tâm bởi nhiều người rất mong muốn có được ngôi nhà của mình trên mảnh đất quê hương. Việc mở rộng hơn đối tượng là người sử dụng đất trong Luật Đất đai năm 2024 mở ra cơ hội cho đồng bào ta ở nước ngoài có môi trường thuận lợi để thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh, làm việc, sinh sống tại Việt Nam.
Cùng với Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023 đã thể hiện rất nhiều quan điểm mới của Nhà nước nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trước đây. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
Trong đó điều chỉnh hiệu lực thi hành của các luật trên được đẩy lên sớm hơn để việc thực thi được triển khai sớm hơn. Theo đó, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024 thay vì có hiệu lực vào ngày 1-1-2025, đã được điều chỉnh có hiệu lực sớm hơn vào 1-8-2024. Các luật này không chỉ có điểm chung về thời điểm có hiệu lực thi hành mà còn quy định thống nhất về phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh, quyền giao dịch… Qua đó nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, sự ủng hộ của doanh nghiệp, chuyên gia.
ThS Phan Thị Hương Giang, Giảng viên khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM, chia sẻ, việc phân định rõ phạm vi điều chỉnh của các luật giúp tránh sự chồng chéo về cùng một đối tượng, giúp việc áp dụng được thống nhất hơn. Dẫn chứng cụ thể, trước đây việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản được điều chỉnh trong cả pháp luật về đất đai lẫn pháp luật về kinh doanh bất động sản, thì hiện nay quy về Luật Kinh doanh bất động sản và văn bản hướng dẫn của luật này.
Không chỉ vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng được chia thành hai nhóm nhỏ cho thấy sự phù hợp hơn khi đối xử với những người còn giữ quốc tịch Việt Nam và người đã không còn quốc tịch Việt Nam. Sự thay đổi này cũng được thể hiện một cách thống nhất trong Luật Kinh doanh bất động sản 2023 khi phân định quyền kinh doanh bất động sản của người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong trường hợp còn và không còn quốc tịch Việt Nam. Như vậy về phạm vi điều chỉnh, các luật mới đã phân định rõ ràng, tránh chồng chéo.
Tăng cường phân cấp, ủy quyền
Phân tích sâu về tác động tích cực của Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023, ThS Phan Thị Hương Giang nhận định, các luật trên đã tạo nền tảng để việc đầu tư kinh doanh, sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất có hiệu quả hơn. Việc có hiệu lực sớm của các đạo luật trên sẽ góp phần sớm áp dụng các quy định trên vào thực tiễn, tạo động lực phát huy tối ưu nguồn lực từ đất tại Việt Nam.
Ở góc độ địa phương, Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng đã mở ra cơ hội mới phát triển xứng tầm với đô thị trọng điểm khu vực miền Trung. Đặc biệt, tại nghị quyết này, Quốc hội đồng ý thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng, gắn với cảng biển Liên Chiểu, với mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao. Đây là cơ chế được địa phương mong chờ, nhiều nhà đầu tư đánh giá cao, là bước khởi đầu của Đà Nẵng, tạo luồng gió mới cho doanh nghiệp để họ đón đầu cơ hội đầu tư.
Hay Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7, đã tháo gỡ được những điểm nghẽn, nhất là điểm nghẽn về thể chế, tạo điều kiện cho thủ đô vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc vừa mở rộng được không gian phát triển. Theo các chuyên gia, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã kế thừa những tinh hoa của Luật Thủ đô trước đây, đồng thời cập nhật, bổ sung, tăng cường phân cấp, ủy quyền cho các cấp hành chính của các địa phương, từ thành phố đến cấp quận đến phường. Hoặc Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, dù hiện còn những khó khăn trong triển khai một số cơ chế, nhưng trên tổng thể đã khơi thông nhiều nguồn lực cho TPHCM, nhất là các cơ chế gắn bó mật thiết với đời sống người dân...
Từ những dẫn chứng cụ thể trên, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội đánh giá công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đang được Quốc hội, Chính phủ đổi mới rõ nét. Đó là sự chủ động nhận diện và tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật, để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thất thoát, lãng phí nguồn lực.
Điều này được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM ngày 5-10-2024. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, việc tháo gỡ những điểm nghẽn hiện nay được thực hiện theo cách làm mới, Quốc hội chỉ quyết những vấn đề theo Hiến pháp, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội. Còn nghị định, thông tư giao về cho Chính phủ, bộ ngành, để nếu khó khăn, vướng mắc thì sửa nghị định, thông tư nhanh hơn sửa luật, nghị quyết của Quốc hội.
"Tinh thần là chỉ luật hóa những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, tăng cường phân cấp, ủy quyền triệt để, dành không gian chủ động, sáng tạo cho Chính phủ, các địa phương theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Đảng lãnh đạo, Quốc hội ban hành cơ chế giám sát, Chính phủ triển khai quyết liệt. Trên cơ sở vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm, thiếu cái gì thì bổ sung cái đó", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ.
Đặc biệt, Quốc hội đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và nhanh chóng sửa đổi các luật có sự chồng chéo. Việc dùng 1 luật sửa 9 luật, hay 1 luật điều chỉnh thời gian thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vừa qua nhận được sự đồng thuận lớn từ nhân dân. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV cũng xem xét thông qua 1 luật sửa 7 luật, cho thấy công tác xây dựng, ban hành thể chế pháp luật hiện đang được nỗ lực để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn
Tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9-2024 (ngày 14-9), Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, xây dựng, hoàn thiện thể chế là đột phá của đột phá; là động lực, nguồn lực cho phát triển. Trong đó, việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nút thắt về thể chế, khơi dậy mọi tiềm năng và khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, Thủ tướng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Theo Thủ tướng, quá trình xây dựng, hoàn thiện các dự án luật phải đảm bảo thể chế hóa, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ, nhưng phải kiến tạo để phát triển. Việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng, bám sát và lấy thực tiễn làm thước đo; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không cầu toàn, không nóng vội; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân, doanh nghiệp và phát huy sự đóng góp của các chủ thể này vào quá trình xây dựng pháp luật.
Thảo luận tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, cho rằng: Thời gian qua, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như Bộ Chính trị nhấn mạnh đến việc tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, những khó khăn, vướng mắc để giải phóng nguồn lực cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Quan điểm này được Đảng ta nhất quán từ trước đến nay, gần đây, chúng ta tập trung quyết liệt hơn, tích cực hơn để tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trên tinh thần đó, Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu cũng như các cơ quan liên quan thực hiện hiệu quả công tác xây dựng pháp luật. Việc “một luật sửa nhiều luật” không mới nhưng cần xác định sửa gì, nội dung nào để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, đảm bảo áp dụng thống nhất trong thực tiễn, thực hiện đúng quy định pháp luật, góp phần thúc đẩy sự phát triển khi triển khai trong thực tiễn. Qua thảo luận, các ĐBQH đánh giá cao tinh thần của cơ quan soạn thảo và Chính phủ đã quyết tâm, quyết liệt để trình Quốc hội tại kỳ họp này để sửa đổi Luật Đầu tư công và một luật sửa nhiều luật. Những luật này cơ bản tháo gỡ được những điểm nghẽn hiện nay đang cản trở sự phát triển.