Gỡ điểm nghẽn thể chế, khơi thông nguồn lực - Bài 1: Chính sách hụt hơi

Trên thực tế, công tác xây dựng, ban hành pháp luật ngày càng được các cơ quan chức năng thực hiện bài bản, khoa học, chuyên nghiệp, đổi mới và hiệu quả hơn. Song, trước sự phát triển nhanh của nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực mới, vẫn còn nhiều vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, phân cấp, ủy quyền chưa đủ mạnh đã trở thành rào cản sự phát triển, hội nhập của đất nước.

LTS: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra được đánh giá là kỳ họp lịch sử, là cuộc cách mạng trong công tác hoàn thiện pháp luật của Quốc hội khi có khối lượng công việc lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đây cũng là kỳ họp đầu tiên có trách nhiệm thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước, tạo tiền đề, chuẩn bị ngay về mọi mặt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong kỳ họp này, việc nâng cao chất lượng và sự ổn định của hệ thống pháp luật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, không chỉ là trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội mà còn là trách nhiệm của từng đại biểu khi bấm nút thông qua các dự án luật.

Báo SGGP khởi đăng loạt bài “Gỡ điểm nghẽn thể chế, khơi thông nguồn lực” để góp phần làm rõ những điểm nghẽn thể chế làm chậm sự phát triển của các ngành, lĩnh vực; đồng thời đề xuất các giải pháp khơi thông nguồn lực, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Chậmquy trình

Một trong những điểm nghẽn được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ điểm là, phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm; chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. “Bắt mạch” của Tổng Bí thư đã chỉ ra một điểm nghẽn lớn trong thực tế hiện nay khi nhiều địa phương dù được ban hành cơ chế đặc thù nhưng vẫn gặp không ít khó khăn trong thực thi vì có những nội dung vẫn phải thực hiện theo quy trình, vẫn phải vòng vo xin ý kiến các bộ, ngành.

QH sáng 21-10-2024 h.JPG
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, sáng 21-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Nhìn từ TPHCM, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 98) có hiệu lực từ ngày 1-8-2023. Sau hơn một năm thực hiện, TPHCM đã rất khẩn trương, nỗ lực, cùng sự hỗ trợ từ Chính phủ đưa các cơ chế vào cuộc sống. Tuy nhiên, có những nội dung đến nay vẫn gặp khó do chưa có hướng dẫn từ bộ ngành dẫn đến triển khai chậm. Một vướng mắc được Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đưa ra là việc chuẩn bị nghị định, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 98 vẫn còn tư duy ở các bộ ngành là làm theo quy định.

Vấn đề này cũng được Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nêu tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với TPHCM vào ngày 10-8. Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, nhiều cơ chế, chính sách vượt trội cho TPHCM đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, mục tiêu phân cấp, ủy quyền vẫn còn khá nhiều vướng mắc, chưa đồng bộ. “Thay vì khi Thủ tướng chỉ đạo, các bộ ngành, TPHCM phải nhanh chóng thực hiện thì chúng ta cứ lẩn quẩn đi đối chiếu với pháp luật hiện hành để đảm bảo tính an toàn cho một số cơ quan, bộ, ngành. Đây là nguyên nhân của chậm trễ, các vấn đề kéo dài khi thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù”, Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc của Thủ tướng với TPHCM ngày 10-8. Ảnh- HOÀNG HÙNG.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với TPHCM về kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội ngày 8-10-2024. Ảnh: HOÀNG HÙNG

TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 cũng có nhận định tương tự khi cho rằng việc phân cấp, ủy quyền thực thi Nghị quyết 98 vẫn là vấn đề cần được giải quyết nhanh. Dù có cơ chế đặc thù nhưng TPHCM vẫn phải thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định, khiến việc thực hiện các cơ chế, chính sách chậm, ảnh hưởng đến kết quả chung.

Từ Nghị quyết 98 mở rộng ra các địa phương khác, TS Trần Du Lịch nhận định, hệ thống thể chế Việt Nam được thiết kế với tư duy phát triển kinh tế theo địa giới hành chính với tầm nhìn của từng ngành. Các quy định được thiết kế, vận hành chung cho cả nước, rất hạn chế những thiết kế có tính đến điều kiện, đặc điểm riêng của từng vùng. Điều này dẫn đến, sự bất cập, không đồng bộ của các quy định pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản. Từ đó ảnh hưởng đến việc thu hút, triển khai các dự án đầu tư, công trình trọng điểm trên địa bàn vùng.

TS Trần Du Lịch.jpg
TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phân cấp mạnh hơn

Thực trạng “có tiền nhưng không tiêu được” đang diễn ra phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đang khá thấp. Theo Bộ KH-ĐT, một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong giải ngân mà các địa phương gặp phải là sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật. Cụ thể, một số quy định giữa Luật Đầu tư công, nghị định hướng dẫn và các luật liên quan còn chồng chéo, chưa quy định cụ thể, rõ ràng. Thảo luận tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM cho rằng, một nguyên nhân nữa là thủ tục đầu tư còn quá phức tạp. ĐBQH Dương Ngọc Hải đề nghị trong sửa Luật Đầu tư công cần phân cấp, ủy quyền mạnh từ Trung ương đến địa phương, theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Trung ương chỉ giữ vai trò kiến tạo và tăng cường để hoàn thiện thể chế, chính sách. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả.

Lãng phí, mất cơ hội

Những hạn chế, bất cập trong xây dựng và hoàn thiện thể chế không chỉ gây khó khăn cho các địa phương trong triển khai, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển, hội nhập của doanh nghiệp. Một ví dụ điển hình là chính sách về phát triển điện mặt trời mái nhà. Ông Lê Mai Hữu Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi cho biết, ngày 6-4-2020, Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 22-5-2020). Quyết định này cho phép các hệ thống điện mặt trời mái nhà được bán điện cho EVN. Tuy nhiên, chính sách này chỉ áp dụng đến ngày 31-12-2020, hệ thống lắp đặt sau năm 2020 không được đấu nối, bán điện.

Doanh nghiệp lắp đặt điện năng lượng mặt trời áp mái.jpg
Nhiều doanh nghiệp gặp khó trong phát triển điện mặt trời mái nhà vì chính sách mua điện dư tạm dừng từ cuối năm 2020

Điều này ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển năng lượng xanh của doanh nghiệp. Như nhà xưởng công ty của ông Lâm với diện tích hơn 15.000m2, dù có nhu cầu lắp đặt nhưng mấy năm qua vẫn phải dừng chờ chính sách. Bởi, đầu tư mà không được bán điện dư sẽ gây lãng phí cho doanh nghiệp. Theo ông Lâm, chính sách này rất quan trọng với doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế, nhưng có thời gian ngắn, thiếu tính kế thừa, khiến doanh nghiệp mất cơ hội phát triển, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ, vì không đáp ứng các yêu cầu về “tiêu chuẩn xanh”, trung hòa carbon.

Sau hơn 3 năm ngắt quãng, cuối tháng 10-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. Dù vui mừng vì nghị định mới cho bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia với tỷ lệ nhất định, nhưng ông Lâm vẫn tiếc vì trong thời gian chờ chính sách, nhiều cơ hội tiếp cận thị trường tiên tiến đã vụt qua. “Việc đáng ra phải được giải quyết nhanh, gấp rút thì các cơ quan chức năng bàn tới bàn lui hơn 3 năm mới chốt. Một cơ chế sát sườn với doanh nghiệp cũng như xu hướng thế giới nhưng không hiểu tại sao lại mất nhiều thời gian như vậy?”, ông Lê Mai Hữu Lâm băn khoăn.

Cũng trong lĩnh vực năng lượng xanh, phát triển điện gió ngoài khơi đã được định hướng từ năm 2018. Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã có chủ trương về năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018).

QH - TL sáng 9-11-2024 g.JPG
Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ, sáng 9-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản pháp lý nào cụ thể về phát triển điện gió ngoài khơi. Thảo luận tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ĐB Tạ Đình Thi (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, chính sách phát triển điện gió ngoài khơi, hiện vẫn chưa rõ ai, cơ quan nào có quyền quyết định dự án, quy trình thủ tục ra sao… Việc thiếu quy định dẫn đến hệ quả một loạt nhà đầu tư lớn có dự định phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam rút lui vì khoảng trống pháp lý. Tháng 6-2023, công ty năng lượng Orsted của Đan Mạch tuyên bố tạm dừng các hoạt động phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Trước đó, doanh nghiệp này dự định sẽ đầu tư 5,5 tỷ USD vào Việt Nam và tạo ra khoảng 25.000 việc làm. Mới đây, tập đoàn Equinor chuyên về năng lượng khổng lồ của Na Uy, cũng tuyên bố rút khỏi Việt Nam và đóng cửa văn phòng tại Hà Nội.

Những vấn đề trên cho thấy sự thiếu đồng bộ và việc lẽo đẽo theo sau cuộc sống của chính sách đang là một rào cản lớn, làm chậm sự phát triển của doanh nghiệp, của các địa phương, và của đất nước. Do đó, việc chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới, như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, là một nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

Trong báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Chính phủ nhìn nhận công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật còn những hạn chế. Trong đó còn tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để; một số quy định pháp luật đến nay không còn phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, nhưng chậm được sửa đổi, tháo gỡ. Một số bộ, ngành, địa phương trong một số trường hợp chưa thực sự nêu cao tinh thần cải cách trong tham mưu, sửa đổi các quy định thuộc phạm vi quản lý. Việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính… chưa triệt để như quy định hoàn thuế giá trị gia tăng, phòng cháy, chữa cháy, truy xuất nguồn gốc. Công tác thực thi có lúc, có nơi còn chưa thống nhất.

TS NGUYỄN THỊ THIỆN TRÍ, Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật TPHCM:

Đổi mới công tác ban hành văn bản pháp luật

Điểm nghẽn thể chế có những nguyên nhân trước hết nằm ở trong chính “điểm yếu” có sẵn của hệ thống pháp luật thành văn, sau đó là do công tác tổ chức thực hiện. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập, đổi mới từ công tác lập pháp là đổi mới căn cơ, có ý nghĩa lớn trong việc tác động, điều chỉnh trực tiếp việc tổ chức, điều chỉnh, sắp xếp lại chuỗi hoạt động của bộ máy nhà nước. Việc đặt ra yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển” trong bối cảnh hiện nay là cần thiết và cấp bách.

Yêu cầu này buộc những chủ thể có trách nhiệm trong hoạt động tạo lập pháp luật nói chung phải gạt bỏ những tư duy ngành, tư duy nhóm cục bộ mà phải là tư duy tổng thể, lấy sự thông suốt của pháp luật làm mục tiêu, lấy lợi ích kinh tế - xã hội của đất nước làm mục đích. Trong tình hình hiện tại, để có được những quy định hợp pháp, hợp lý, đáp ứng nhu cầu là đòn bẩy chính sách, giải phóng, khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư thì việc đổi mới trong công tác lập pháp có thể ứng dụng được ngay. Về lâu dài, để có thể gỡ bỏ điểm nghẽn thể chế, thì cần những định hướng, giải pháp pháp lý tác động trực tiếp, làm nên sự đổi mới căn cơ từ chính cơ chế lập pháp, lập quy ở nước ta.

Tin cùng chuyên mục