Khát vọng phát triển - điểm nhấn quan trọng
Dự thảo khẳng định, sự phát triển của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới đã tạo nên một bộ mặt mới cho đất nước ta với một cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như ngày nay mà trong quá khứ chưa lúc nào đạt được. Dự thảo tập trung vào khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, kế thừa kinh nghiệm lịch sử của cha ông, khơi dậy khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của cả dân tộc với những trang sử vàng: Cách mạng Tháng Tám 1945, Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Đại thắng mùa xuân năm 1975... Biến khát vọng giải phóng và độc lập, tự do thành khát vọng phát triển đất nước là điểm nhấn quan trọng trong dự thảo lần này. Đó là điều rất đáng trân trọng!
Tiếp tục vận dụng bài học “Lấy dân làm gốc”, Dự thảo toát lên quan điểm bồi dưỡng sức dân, chăm lo đời sống nhân dân, làm cho dân được hưởng thụ thành quả lao động của mình làm ra, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Đây không phải vấn đề mới, song Dự thảo đã gắn việc bồi dưỡng sức dân với những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 gồm 12 nội dung lớn là hết sức cần thiết. Để phục vụ nhân dân tốt hơn, Dự thảo đề ra 5 quan điểm chỉ đạo cơ bản. Trong đó, đáng chú ý là khẳng định quan điểm “bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi”.
Tuy nhiên, có một số vấn đề cần nghiên cứu, làm rõ hơn trong Dự thảo. Trong đó, ở nội dung đánh giá tình hình, thành tựu của công cuộc đổi mới là vấn đề có thể còn những ý kiến khác nhau, cần nghiên cứu để làm cho rõ hơn. Ở nội dung này, nên có sự so sánh toàn diện giữa thực trạng đất nước hiện nay với quá khứ đất nước trước khi đổi mới. Để qua đó, thấy rõ sự thay đổi vượt bậc, nhằm tăng thêm niềm tin và hy vọng. Cùng với đó là so sánh thực trạng nước ta với các nước trong khu vực và thế giới để đề phòng tư tưởng chủ quan, thỏa mãn, nhằm cổ vũ sự hăng hái vươn lên, đề phòng nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa.
Cần sự đồng bộ và toàn diện
Một nội dung quan trọng khác là vấn đề hoàn thiện, đồng bộ thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong nền kinh tế thị trường nước ta, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và hoạt động theo cơ chế thị trường, đòi hỏi quản trị hiện đại, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu; đồng thời đặt ra yêu cầu cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhưng lại tập trung vào lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng an ninh... Đây là một bài toán khó khăn, phức tạp, thậm chí đôi khi khó thực hiện, nhất là trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng, ở những địa bàn quan trọng. Vì vậy, Dự thảo cần “mềm hóa” chủ trương này, nhất là cần chỉ rõ những điều kiện cần và đủ để kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.
Vấn đề đấu tranh chống tham nhũng nêu trong Dự thảo khá đầy đủ theo tinh thần kiên quyết, kiên trì. Tuy nhiên, Dự thảo cần đi sâu vào nguồn gốc của hiện tượng tham nhũng, lãng phí. Đó là chủ nghĩa quan liêu, sản sinh ra tệ độc đoán, chuyên quyền, chủ quan duy ý chí, gia trưởng phong kiến, xa dân, thói đặc quyền đặc lợi, lợi ích nhóm... Đây là “mảnh đất” dung dưỡng nạn tham nhũng, lãng phí. Để chống tham nhũng tận gốc cần phải chống chủ nghĩa quan liêu, chống chính sách và cơ chế quan liêu, chống tác phong lãnh đạo và quản lý quan liêu.
Dự thảo đã đề cập đến đổi mới hệ thống chính trị. Đây là vấn đề lớn, đã được Dự thảo nêu đầy đủ với việc đổi mới từng thành tố của hệ thống: đổi mới Đảng, Nhà nước, Mặt trận. Điều đáng bổ sung là nhấn mạnh đổi mới cơ chế vận hành của cả hệ thống theo hướng “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Vấn đề đồng bộ lại được đặt ra, là việc đảm bảo 3 bộ phận cấu thành này phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, đúng chức năng của mỗi bộ phận, cùng chung mục đích phục vụ nhân dân tốt nhất, trong đó khẳng định vai trò của MTTQ Việt Nam là người đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của nhân dân như Hiến pháp đã quy định.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đã được nêu khá cụ thể, tuy nhiên đề nghị bổ sung vào Dự thảo lời dạy của Bác Hồ nêu trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947). Bác dạy, bất kỳ công việc gì cũng phải dùng 2 cách lãnh đạo sau đây: một là, liên hiệp chính sách chung với sự chỉ đạo riêng; hai là, liên hiệp người lãnh đạo với quần chúng. Bác Hồ còn giải thích thêm, sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng ắt phải từ trong quần chúng mà ra, trở lại nơi quần chúng.
Cần sự đồng bộ và toàn diện |
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam