Thiếu đồng bộ
Theo thống kê, đến nay, các dự án nguồn điện sạch đã được bổ sung vào Quy hoạch điện quốc gia và Quy hoạch điện tỉnh được vận hành trước năm 2021, gồm 187 dự án điện gió (công suất 11.419MW), 135 dự án điện mặt trời (công suất 13.617MW). Ngoài ra, còn khoảng 320 dự án điện mặt trời với công suất 34.000MW và 300 dự án điện gió với công suất khoảng 74.000MW đang được nhà đầu tư và các địa phương đề xuất bổ sung vào Quy hoạch thực hiện trong giai đoạn 2021-2023.
Về điện khí thiên nhiên hóa lỏng, đến nay có 11 dự án nhà máy đã được bổ sung quy hoạch quốc gia (tổng công suất 16.100-16.400MW). Qua những con số này có thể khẳng định việc phát triển nguồn điện sạch đang là xu hướng tất yếu. Đúng với tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng Việt Nam là phát triển năng lượng sạch và khuyến khích các hộ tiêu thụ sử dụng năng lượng sạch, tái tạo.
Mặc dù đạt được những kết quả ban đầu, thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư, nhưng việc phát triển nhanh các nguồn điện sạch hiện nay đang gặp phải một số rào cản.
Đơn cử, những trường hợp mới nhất là nhiều nguồn điện mặt trời, điện gió phải giảm phát do nghẽn lưới truyền tải. Mặc dù thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đầu tư nhiều công trình lưới từ 110 đến 500kV với trên 750km đường dây và trên 5.000MVA các trạm biến áp cho giải tỏa năng lượng sạch. Nhiều nhà đầu tư nguồn điện này cũng đã tự đầu tư lưới điện đấu nối vào hệ thống truyền tải chung, nhưng các quy định về phạm vi quản lý, bàn giao tài sản không rõ ràng.
Hay việc bổ sung các dự án mới vào quy hoạch cũng gặp khó do quy định mới của Luật Quy hoạch và các quy định hiện hành chưa đồng bộ. Thủ tục bổ sung thường kéo quá dài. Nhiều dự án khi được bổ sung vào quy hoạch nhưng lại không được phê duyệt lưới đấu nối đi kèm. Các cơ chế khuyến khích thông qua bù giá hết hiệu lực vào cuối năm 2020 (điện mặt trời) và sắp tới là tháng 11-2021, đối với điện gió. Nội dung các hợp đồng mua bán điện vẫn chưa có điều khoản mà bên mua điện chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư nguồn điện, nhất là nhà đầu tư tư nhân...
Cần tạo môi trường đầu tư minh bạch
“Hạ tầng lưới điện còn yếu, chưa đồng bộ để tạo cơ sở kỹ thuật cho tích hợp các nguồn điện sạch. Việc đó đã gây khó khăn lớn cho nhà đầu tư khi vay vốn, do tính hiệu quả của dự án giảm đáng kể”, đại diện một nhà đầu tư điện mặt trời phân tích.
Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, các nhà hoạch định chính sách cần đánh giá lại toàn diện những kết quả tích cực cũng như các vấn đề tồn tại để xây dựng môi trường minh bạch, tạo điều kiện cho năng lượng sạch phát triển. Hạn chế cơ chế “xin-cho”, có cơ chế, chính sách chung khuyến khích tư nhân đầu tư vào truyền tải. Có như vậy mới thực hiện được Quy hoạch Điện VIII như Bộ Công thương đang trình Chính phủ. Các vấn đề này sẽ được giải quyết nếu ưu tiên nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật riêng về năng lượng sạch.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, Nhà nước cần cho phép xã hội hóa một phần khâu truyền tải điện và phân phối trực tiếp. Đặc biệt, bộ ngành cần rà soát các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, quy hoạch, xây dựng, quản lý đất đai, đấu thầu để đề xuất sửa đổi những bất cập, chồng chéo giữa các luật với nhau. Sớm có hướng dẫn thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) để các dự án điện độc lập quy mô lớn có thể triển khai thuận lợi cũng như chia sẻ rủi ro trong hợp đồng mua bán điện. Qua đó khuyến khích, tạo động lực thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư vào phát triển nguồn điện sạch cho tương lai.