Trước đó, dù trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã ban hành 30 nghị định, 3 nghị quyết, Thủ tướng đã ký ban hành 5 quyết định, các bộ đã ban hành 19 thông tư, tập trung vào cơ chế, chính sách về CPH, thoái vốn tại DNNN cho phù hợp với hệ thống luật mới ban hành, hoàn thiện cơ chế… Tuy nhiên, kết quả CPH DNNN không đạt được kế hoạch mà Chính phủ phê duyệt. Năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ thu từ CPH DNNN là 40.000 tỷ đồng, nhưng kết quả chỉ thu được chưa đầy 10%
Nguyên nhân của việc chậm trễ nói trên liên quan đến khâu xác định giá trị doanh nghiệp, nhưng nổi cộm nhất vẫn là vấn đề định giá và chuyển đổi tài sản đất đai của các DNNN. Ngay trong một hội thảo về CPH DNNN tổ chức ngày 17-5 vừa qua tại Hà Nội, người đứng đầu Bộ Tài chính cũng nhận định, quản lý đất công hiện đang có nhiều kẽ hở cả về quy định và việc vận dụng lẫn chấp hành luật pháp.
Hiện nay, khâu xác định giá trị doanh nghiệp chưa chính xác và rủi ro lớn nhất là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất. Việc tính giá trị một lần không sát giá thị trường, kể cả dù có sát thị trường song sau 10-20 năm thì giá trị của doanh nghiệp lại khác, đã tạo ra lỗ hổng thất thoát tài sản Nhà nước. Trên thực tế, những sai phạm và kẽ hở trong quản lý đất đai tại các DNNN còn biểu hiện rất đa dạng.
Đơn cử như có tỉnh, thành, doanh nghiệp còn “cho mượn” đất công làm sân tập golf với thời hạn tới 48 năm (là không phù hợp với quy định của Luật Đất đai), hay tự ý ký các hợp đồng chuyển nhượng “đất vàng” với giá rất thấp so với mặt bằng giá thị trường. Đáng chú ý là qua việc chuyển sở hữu đã làm xuất hiện tình trạng “tư nhân hóa ngầm” đất công thông qua việc chuyển từ hợp đồng hợp tác kinh doanh, theo tỷ lệ góp vốn và phân chia lãi - lỗ, hoặc chuyển nhượng luôn khu đất sang tay tư nhân theo “quy trình tắt” mà không công khai và không qua đấu giá… Hệ quả là ngân sách Nhà nước thất thu hàng ngàn tỷ đồng từ những kiểu “lách luật” nói trên ở cả cấp Trung ương lẫn địa phương.
Nhưng muốn tháo gỡ vướng mắc về đất đai trong CPH DNNN hiện nay, không thể gỡ phần “ngọn”, mà cần phải làm từ phần “gốc”. Đó là cần gỡ những tồn tại vướng mắc về quy định chính sách đối với chuyển đổi đất. Đơn cử như Quốc hội đã ra Nghị quyết số 60/2018/QH14 nghiêm cấm việc chuyển mục đích sử dụng đất có nguồn gốc từ Nhà nước sang mục đích khác, nhưng sang đến năm 2020, Nghị định 140/NĐ-CP ra đời đã bãi bỏ Nghị quyết số 60, song Nghị định này lại không quy định rõ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất có được hay không. Điều này làm cho nhiều địa phương lúng túng khi triển khai.
Do đó, đã có nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện khung pháp lý về việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, đồng thời xem xét việc tách bạch triệt để chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước. Hay như gần đây, một giải pháp đang được đề xuất cũng rất đáng chú ý là đưa đất đai ra khỏi quy trình CPH DNNN.
Theo đó, các DNNN khi chuyển sang CPH thì chỉ được áp dụng hình thức thuê đất và trả tiền thuê đất hàng năm mà không được thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất sau CPH. Trường hợp doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng đất thì trả lại cho Nhà nước và sẽ được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Nhận xét về điều này, một chuyên gia cho biết, thực tế cho thấy, việc thuê đất trả tiền một lần phải đưa ra khỏi xác định giá trị doanh nghiệp thì mới tháo gỡ được điểm “nghẽn” đất đai, đẩy nhanh tiến trình CPH DNNN. Nhưng muốn đưa ra và thực hiện nó thì phải có văn bản quy phạm pháp luật, nếu không thì chẳng ai dám làm.
Như vậy, muốn hiện thực hóa giải pháp nói trên vẫn phải… chờ luật. Dư luận hy vọng, với những quy định mới được bổ sung trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này (dự kiến sẽ được trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 sẽ diễn ra vào cuối năm nay), thì những “nút thắt” lâu nay trong CPH DNNN sẽ được tháo gỡ.