![Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/hgubgt/2025_02_07/vu-hong-thanh-2-5525-5774-9876.jpg.webp)
Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.
Sáng 7-2, Ủy ban Kinh tế Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 21, thẩm tra tờ trình của Chính phủ về đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Trình bày tóm tắt Đề án, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương khái quát tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, khẳng định nền kinh tế phục hồi nhanh trước những diễn biến bất lợi từ bên ngoài và trong nước, là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô trên thế giới.
Bên cạnh đó, đề cập đến những hạn chế, bất cập cần tiếp tục tập trung giải quyết, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn; sức mua thị trường còn yếu, phục hồi chậm. Việc triển khai một số dự án hạ tầng trọng điểm còn vướng mắc, chưa triệt để; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Thể chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, gây cản trở phát triển doanh nghiệp và đời sống người dân; phân cấp, phân quyền còn vướng mắc. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển….
Trong bối cảnh đó, theo ông Trần Quốc Phương, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026).
Để thực hiện kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ yêu cầu phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng. Trong đó, tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là Hà Nội, TPHCM, các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước; có cơ chế khuyến khích phù hợp đối với các địa phương tăng trưởng cao, có điều tiết về Trung ương.
Đề cập các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, về hoàn thiện thể chế, pháp luật, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT đề xuất ban hành ngay cơ chế, chính sách đủ mạnh, quy định pháp luật cụ thể, minh bạch để khắc phục, xử lý tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ, tạo không gian sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi; tăng cường kiểm tra, đôn đốc để giám sát thường xuyên, kịp thời uốn nắn, khắc phục, chấn chỉnh ngay các vi phạm, khuyết điểm, không dám chịu trách nhiệm.
Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2025 đạt 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; bổ sung, áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho các dự án quy mô lớn, trọng điểm, cũng là nhiệm vụ được Thứ trưởng Phương đề cập.
Chính phủ cũng xác định tháo gỡ ngay các điểm nghẽn đối với thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; sớm bảo đảm các tiêu chí, điều kiện để nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025; có cơ chế khai thác hiệu quả các dòng vốn đầu tư gián tiếp, các quỹ đầu tư quốc tế.
“Phát huy hiệu quả các Ban chỉ đạo, Tổ công tác để rà soát, có giải pháp xử lý các dự án đang vướng mắc, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, BOT, BT, giao thông, bất động sản và các lĩnh vực khác; trước mắt, xây dựng cơ chế đặc thù tập trung tháo gỡ cho các dự án tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố lớn để giải phóng nguồn lực ngay trong năm 2025”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, việc hoàn thành tốt các chỉ tiêu năm 2025 - năm tăng tốc về đích sẽ “bù tăng trưởng” cho các năm trước đó. Ông đặt câu hỏi: “Chính phủ đã có tờ trình đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu theo tinh thần đổi mới, tăng trưởng 8% trở lên, CPI ở mức 4,5- 5%, vậy biện pháp thế nào để kiểm soát lạm phát? Có thể phải huy động thêm các nguồn lực thì phải “tháo” trần nợ công, nợ nước ngoài ở ngưỡng vượt cảnh báo khoảng 5% GDP, vậy cần thêm nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt hơn ra sao”?
Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu:
(1) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên.
(2) Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.
(3) Trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi NSNN lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.
(Theo Tờ trình số 53 ngày 27-1-2025 của Chính phủ)