Tận tình, chu đáo
Chiều 26-6, các cán bộ chính sách có công Sở LĐTB-XH TPHCM, Phòng LĐTB-XH huyện Bình Chánh, lãnh đạo UBND xã và cán bộ chuyên trách LĐTB-XH xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh đến tận nhà bà Nguyễn Thị Út trên địa bàn xã để hướng dẫn gia đình lập hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ của bà. Bà Út năm nay gần 80 tuổi, đi lại khó khăn, các cán bộ đã tới bên giường bà nằm, trực tiếp giúp bà Út làm hồ sơ. Mẹ của bà Út là cụ Huỳnh Thị Dé, có hai con là liệt sĩ. Cụ Huỳnh Thị Dé đã qua đời từ lâu. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, gia đình không rõ làm chính sách cho cụ thế nào, vì hồ sơ hai liệt sĩ đều ghi sai tên mẹ. Để có cơ sở ráp ba tên (hai tên sai, một tên đúng), thành tên đúng là cụ Huỳnh Thị Dé, cán bộ xã, huyện và sở cùng phối hợp, đối chiếu, tra cứu các loại hồ sơ, sổ sách.
Ngoài bà Nguyễn Thị Út đang cư ngụ tại xã Vĩnh Lộc A và hai liệt sĩ, cụ Huỳnh Thị Dé còn người con nữa là bà Nguyễn Thị Chín. Trong quá trình tiếp xúc, các cán bộ ngành được biết bà Chín có người con là đảng viên, tên là Phạm Văn Sinh. “Lý lịch đảng viên của cháu ngoại - anh Phạm Văn Sinh - lúc này trở thành nguồn tài liệu quan trọng để có cơ sở đính chính thông tin, làm chính sách cho cụ Huỳnh Thị Dé”, ông Nguyễn Trung Nhân, Phó Trưởng Phòng Chính sách có công Sở LĐTB-XH TPHCM, cho hay.
Vừa nhận Bằng Tổ quốc ghi công đối với người cha là liệt sĩ Lê Văn Cuộc vào ngày 22-7, ông Lê Trung Tiến (ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM) chia sẻ, cán bộ ngành LĐTB-XH đã rất tận tình hướng dẫn gia đình ông làm hồ sơ chính sách. Cụ Lê Văn Cuộc là thương binh nặng, bị suy giảm khả năng lao động 91%. Giữa năm 2017, cụ Lê Văn Cuộc qua đời do di chứng chấn thương sọ não tái phát. Để làm hồ sơ công nhận cụ là liệt sĩ, các cán bộ chính sách nhiều lần tới tận nhà, hướng dẫn ông Tiến chuẩn bị hồ sơ chặt chẽ. Các cán bộ chính sách cũng tới tận nhà bà Nguyễn Thị Khoang (78 tuổi, ngụ xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi), để lấy thông tin về việc bà Khoang bị địch bắt, tù đày; sau đó liên hệ Ban Thi đua - Khen thưởng TPHCM để trích lục hồ sơ khen thưởng, tìm kiếm các thông tin liên quan việc này, làm cơ sở giải quyết chính sách người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày cho bà.
Không để người dân chờ đợi chính sách
Bằng cách đến tận nhà, trực tiếp hướng dẫn người dân làm hồ sơ chính sách, từ đầu năm 2019 đến nay, ngành LĐTB-XH TPHCM đã cơ bản giải quyết các trường hợp tồn đọng từ nhiều năm, không còn giấy tờ gốc. Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết, bên cạnh số hồ sơ đủ điều kiện đã được thẩm định giải quyết, sở đã tiếp nhận 822 hồ sơ chỉ có bản khai, không có giấy tờ gốc. Nhờ sự hỗ trợ của Phòng Nghiệp vụ quản lý hồ sơ Công an TPHCM và Cục Hồ sơ nghiệp vụ (Bộ Công an), qua trích lục tàng thư, đến tháng 4-2019, sở đã giải quyết được 569 hồ sơ hưởng trợ cấp. Đối với 253 hồ sơ còn lại, người dân khai có bị địch bắt tù, có tham gia các hoạt động nhưng không còn giấy tờ gốc và cũng không có hồ sơ lưu trữ trong tàng thư.
Theo Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, đây là các trường hợp rất khó để giải quyết chính sách. Từ tháng 5 đến tháng 7-2019, cán bộ chính sách đã đến tận nhà, ghi lại lời kể người trong cuộc, người liên quan; đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan đối chiếu, tra cứu các loại hồ sơ, lý lịch. “Đến nay, 205 trường hợp trong tổng số 253 trường hợp tồn đọng đã được giải quyết chính sách. Những trường hợp còn lại, sở tiếp tục đến tận nhà người dân hỗ trợ làm nhanh hồ sơ. Ai được, ai không được cũng xứng đáng nhận câu trả lời rõ ràng, không để người dân phải khắc khoải chờ đợi chính sách. Với tinh thần trân trọng, tri ân, chúng tôi sẽ phối hợp giải quyết dứt điểm, không để TPHCM tiếp tục “nợ” chính sách có công”, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cam kết.
Từ đầu năm 2019 đến nay, Sở LĐTB-XH TPHCM phối hợp các đơn vị hỗ trợ 57/62 trường hợp làm hồ sơ truy tặng, phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; vận động được 300 đại gia đình (trong tổng số 500 đại gia đình) đoàn kết, đồng thuận, mỗi đại gia đình chọn, ủy quyền một người đại diện người đứng ra làm hồ sơ chế độ thờ cúng liệt sĩ…