Gỡ các tồn đọng để TPHCM cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới

Ngày 4-12, tiếp tục chương trình Hội nghị lần thứ 34 (mở rộng) Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025), các đại biểu đã thảo luận theo tổ, tập trung phân tích, cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, định hướng năm 2025; công tác chuẩn bị sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy; giải quyết các dự án, công trình tồn đọng để TPHCM cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới…

Đề xuất nghị quyết chuyên đề

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, TPHCM muốn vươn mình, tăng tốc thì phải giải quyết các tồn đọng, bởi “một cỗ xe lúc nào cũng chở theo những hòn đá nặng thì khó”.

5.jpg
Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thảo luận sâu về việc giải quyết các vấn đề tồn đọng, Chánh Thanh tra TPHCM Trần Văn Bảy cho biết, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị có chủ trương cho thực hiện cơ chế cần thiết để xử lý những dự án đầu tư, những công trình tồn đọng nhiều năm do vướng mắc về cơ chế, thủ tục. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có cơ chế cụ thể. Chánh Thanh tra TPHCM đề xuất Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM nghiên cứu trình Thành ủy TPHCM ban hành một nghị quyết chuyên đề riêng về xử lý các dự án tồn đọng nhiều năm do vướng mắc cơ chế, thủ tục, để giải quyết căn cơ, khơi thông nguồn lực.

Liên quan đến các công trình tồn đọng, kết luận thanh, kiểm tra, Thanh tra TPHCM đã có kế hoạch tổng thể trình UBND TPHCM. Trong đó, phân loại nhiều nhóm nội dung như nhóm có kết luận thanh tra nhưng chưa khắc phục được do quy định pháp luật, điều kiện kinh tế - xã hội, thực tiễn thay đổi. Hoặc nhóm nội dung vượt quá thẩm quyền, cần xin ý kiến cơ quan thẩm quyền; nhóm nội dung có điều kiện thực hiện nhưng chưa thực hiện và lý do vì sao. Chánh Thanh tra TPHCM kiến nghị UBND TPHCM có xem xét và đưa vào nhiệm vụ của năm 2025.

Đồng tình với đề xuất cần có nghị quyết chuyên đề để giải quyết các dự án, công trình tồn đọng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TPHCM Hứa Quốc Hưng cho rằng điều này sẽ giúp tháo gỡ những tồn đọng để các dự án tiếp tục triển khai, đưa vào vận hành, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, chống lãng phí.

68ee386a2341991fc050.jpg
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: NGÔ BÌNH

Tạo đột phá về hạ tầng

Hiến kế để TPHCM cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho rằng, với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, để TPHCM bước vào kỷ nguyên mới thì “chìa khóa vàng” là hạ tầng phải đi trước, cùng với đó là kết nối vùng. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công (sửa đổi), cùng một số luật về đầu tư đã được Quốc hội thông qua là những luật rất tiên tiến, nhất là việc quy định chuyển quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm B, nhóm C về UBND cấp tỉnh đã rút ngắn rất nhiều thời gian chuẩn bị thủ tục đầu tư. Giám đốc Sở GTVT kiến nghị TPHCM nghiên cứu sớm triển khai các nghị quyết, luật được Quốc hội ban hành để đẩy nhanh tiến độ các dự án, góp phần thúc đẩy đột phá về hạ tầng.

Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Đinh Thanh Nhàn cũng phân tích, để TPHCM vươn mình, cần có nguồn lực lớn hơn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và kêu gọi nhà đầu tư tham gia phát triển thành phố. Do đó, TPHCM nên nghiên cứu đề xuất Trung ương điều chỉnh nâng tỷ lệ trích ngân sách để lại cho thành phố cao hơn, hoặc có phương án để thành phố được giữ lại tỷ lệ thu ngân sách vượt chỉ tiêu.

471e2975365e8c00d54f.jpg
Đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: NGÔ BÌNH

Theo Chủ tịch HĐND huyện Nhà Bè Phạm Minh Huấn, để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Thành ủy TPHCM định hướng làm nền tảng cho địa phương xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 và xác định chủ thể lớn cho Đại hội Đảng sắp tới. Bởi hiện các quận, huyện đang xây dựng dự thảo văn kiện đại hội, nếu được định hướng sẽ giúp quận, huyện có góc nhìn hòa hợp với thành phố và gắn với chủ trương của Trung ương.

Để thúc đẩy tăng trưởng ngay trong quý 1-2025, TPHCM đang triển khai chương trình kích cầu đầu tư, hỗ trợ lãi vay cho các nhà đầu tư thực hiện dự án ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội. Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) Trương Tuấn Anh cho biết, hiện có 6 dự án đã thẩm định xong với tổng mức cho vay khoảng 500 tỷ đồng, đang chờ các tổ công tác trình UBND TPHCM phê duyệt để giải ngân. Ông kiến nghị các tổ công tác sớm trình UBND TPHCM phê duyệt để giải ngân trong tháng 12.

Về nội dung này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận xét, thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn rườm rà, đồng chí yêu cầu HFIC nghiên cứu đề xuất thủ tục ngắn gọn, để sau khi thẩm định xong dự án phải chuyển tiền hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp, không đợi doanh nghiệp nộp thuế, trả lãi mới làm thủ tục hoàn lại.

Tin cùng chuyên mục