Theo dự thảo, tới đây, lãnh đạo công ty du lịch không nhất thiết phải có bằng cấp chuyên ngành lữ hành. Quy định về thủ tục đăng ký doanh nghiệp cũng được điều chỉnh.
Theo đó, doanh nghiệp hoạt động ở mọi ngành, lĩnh vực sẽ thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp dựa trên quy định của Luật Doanh nghiệp. Nói cách khác, các doanh nghiệp đang thực hiện đăng ký theo quy định của luật chuyên ngành (như Luật Luật sư năm 2006 - sửa đổi, bổ sung năm 2012; Luật Công chứng năm 2006 - sửa đổi, bổ sung năm 2014; Luật Giám định tư pháp năm 2012; Luật Giáo dục đại học năm 2012; Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2006 - sửa đổi, bổ sung năm 2014; Luật Trọng tài thương mại năm 2010…) sẽ đăng ký tập trung về một đầu mối là Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Động thái này, ngoài việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, còn giúp hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp có được đầy đủ thông tin về doanh nghiệp đăng ký trong mọi ngành nghề kinh doanh, bao gồm cả những ngành, lĩnh vực đang được coi là chuyên ngành và đăng ký theo hệ thống riêng.
Dự thảo cũng bãi bỏ yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng; chế độ báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp; chế độ gửi thông tin cho cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính khi thành lập chi nhánh, đặt địa điểm kinh doanh mới... Các nội dung nêu trên vốn không có trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng như giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (trừ trường hợp giám đốc hoặc tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật), vì vậy, việc báo cáo là vô lý và không cần thiết.
Tuy nhiên, bên cạnh những quy định cởi mở hơn, một số “kẽ hở” của luật cũng sẽ được “trám” lại. Chẳng hạn, về trách nhiệm của “Người đại diện theo pháp luật”. Khoản 2, Điều 13, Luật Doanh nghiệp năm 2014 (về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp) có quy định, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Quy định như vậy có thể khiến công ty có thể tìm cách trốn tránh trách nhiệm trong các trường hợp bất lợi, đồng thời gây khó khăn và rủi ro rất lớn cho đối tác giao dịch với công ty, vì không phải lúc nào cũng tiếp cận được điều lệ và không bảo đảm việc xác định được chính xác nội dung phân quyền cũng như bản điều lệ nào có hiệu lực thật sự.
Do vậy, tới đây, công ty hợp danh có nhiều người đại diện theo pháp luật; công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp này, người đại diện theo pháp luật có quyền, nghĩa vụ như nhau và điều lệ công ty phải quy định cụ thể số lượng và chức danh quản lý của các đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và phải đăng ký với cơ quan đăng ký doanh nghiệp…
Sửa đổi những vấn đề tồn tại đang gây nhiều khó khăn trong luật hiện hành, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với những cải cách của luật này, cởi bỏ những ách tắc khiến các nhà đầu tư trong nước lo ngại, môi trường kinh doanh của Việt Nam hẳn sẽ có thêm nhiều điểm cộng trong năm 2019 và những năm tới.