Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM, nhận định rằng nhiều luật và bộ luật mới ban hành đã có các giải pháp mang tính đột phá, gỡ bỏ nhiều vướng mắc về cơ chế, thuế và lãi suất để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập thấp. Riêng tại TPHCM, chính quyền đã triển khai thêm các chính sách hỗ trợ đối với người mua nhà ở xã hội. Cụ thể, các hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ một phần kinh phí mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, với mức hỗ trợ dao động từ 30 - 90 triệu đồng.
Để đạt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030, TS Trần Quang Thắng cho rằng bên cạnh những chính sách mới, cần triển khai các giải pháp linh hoạt, sáng tạo. Hiện nay, TPHCM đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương tập trung vào việc cải cách thủ tục pháp lý, quản lý dự án một cách hiệu quả, bảo đảm chất lượng và tiến độ công trình. Ông cũng đề xuất phát triển các đô thị vệ tinh xung quanh trung tâm TPHCM nhằm giảm giá thành nhà ở xã hội, tạo thêm cơ hội cho người thu nhập thấp. Đồng thời, việc kết hợp triển khai mô hình TOD (phát triển đô thị gắn kết giao thông công cộng) sẽ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho dân cư tại các khu vực này.
Là doanh nghiệp tham gia tích cực vào Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hoàng Quân Group khẳng định, tại TPHCM, nhu cầu nhà ở xã hội là rất lớn do đặc thù lịch sử, bao gồm những khu nhà ven kênh rạch chưa được cải tạo. Số lượng công nhân làm việc tại các khu chế xuất và khu công nghiệp cũng lên tới khoảng 300.000 hộ.
Trong bối cảnh quỹ đất của TPHCM hạn chế, cần có cơ chế đặc thù cho các chủ đầu tư đã sở hữu quỹ đất sạch. Nếu giá đất đã được tính thuế, cần đưa phần chi phí này vào giá thành căn hộ để đảm bảo giá hợp lý cho người lao động. Ví dụ, đối với các dự án nhà cao tầng từ 18-25 tầng, chi phí bổ sung khoảng 2-3 triệu đồng/m2 vào giá thành vẫn giúp doanh nghiệp duy trì lợi nhuận định mức 10%, trong khi giá căn hộ không vượt quá 30 triệu đồng/m2. Điều này hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của TPHCM và có thể triển khai ngay.
Tham gia ý kiến tại tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch và Xây dựng, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza) cho hay, để phát triển nhà ở xã hội hiệu quả, cần đặt mục tiêu chính là đảm bảo cho công nhân và người lao động có nơi ở và sinh hoạt chất lượng, từ đó nâng cao năng suất lao động và chất lượng cuộc sống. Nhà nước cần hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, chẳng hạn như cung cấp các gói tín dụng ưu đãi cho nhà đầu tư và người thuê nhà, đồng thời đơn giản hóa quy trình phê duyệt và rút ngắn thời gian triển khai dự án. Việc quy hoạch đất sạch ở các khu vực có nhu cầu lớn, như khu công nghiệp hoặc khu chế xuất, cũng rất cần thiết để đảm bảo tiện lợi cho người lao động.