Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; các sở, ngành, Hội LHPN các tỉnh, thành phố; Hội Nữ doanh nhân TPHCM, Cần Thơ; một số nữ chủ doanh nghiệp, phụ nữ khởi nghiệp thành công.
Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, bà Trần Thị Huyền Thanh, Trưởng Ban Công tác phía Nam, Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho biết, tại các tỉnh, thành phía Nam, ngay sau khi Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao Hội LHPN Việt Nam chủ trì thực hiện vào 30-6-2017, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh có kế hoạch và bố trí nguồn ngân sách để triển khai thực hiện đề án. Đồng thời xem hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Qua 6 năm triển khai đề án (2017-2023), Hội LHPN các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp phù hợp nhu cầu của phụ nữ. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đa dạng cả về nguồn lực, kỹ thuật và trên các lĩnh vực, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin để thích ứng với tình hình mới.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng phụ nữ khu vực phía Nam hiện vẫn còn gặp nhiều rào cản trong quá trình khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Đó là các khó khăn trong tiếp cận vốn, kỹ năng quản lý, môi trường kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ còn thấp (chỉ chiếm 3%) và phần lớn quy mô nhỏ, hạn chế trong tham gia chuỗi giá trị. Theo bà Trần Thị Huyền Thanh, điều này đòi hỏi Hội LHPN Việt Nam cần có chiến lược và các giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh phù hợp, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh doanh trong kỷ nguyên mới của đất nước.
Theo báo cáo tại tọa đàm, từ năm 2018 - 2023, Hội LHPN 21 tỉnh, thành phía Nam đã tổ chức 82 cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh với các chủ đề, đã thu hút 5.433 ý tưởng, dự án tham gia. Trong đó có 568 ý tưởng xuất sắc, khả thi được trao giải và hỗ trợ thực hiện.
Trong 5 năm đã có 985 lớp đào tạo được mở, tập huấn kiến thức cho hơn 10.000 ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp, thu hút 38.925 phụ nữ tham gia. Nội dung đào tạo tập trung vào hoàn thiện kế hoạch kinh doanh, kỹ năng bán hàng, quản lý tài chính, kiến thức khởi nghiệp, đăng ký thương hiệu, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm... Đã có hơn 30.230 phụ nữ mạnh dạn khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, trong đó một số phụ nữ khởi nghiệp thành công, ngày càng hoàn thiện sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, bước đầu xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Nhiều đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phụ nữ thích ứng với tình hình mới khi khởi nghiệp, bởi một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ là đối tượng bị hạn chế khi ứng dụng công nghệ thông tin.