Dự án được triển khai ở Campuchia, Indonesia, Malaysia và Thái Lan, kéo dài 3 năm (bắt đầu từ tháng 4-2024), do 4 cơ quan của LHQ là Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm (UNODC) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) phối hợp thực hiện. Theo các quan chức LHQ, đây là cách đảm bảo quyền lao động, ngăn ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, ngăn ngừa nạn buôn người và đưa người di cư trái phép. Các cơ quan này sẽ làm việc với các bên liên quan ở 4 quốc gia Đông Nam Á để tăng cường luật pháp và chính sách, nâng cao năng lực, cơ chế để bảo vệ tốt hơn quyền của các nhóm mục tiêu, đồng thời tăng khả năng tiếp cận thông tin, dịch vụ.
Theo bà Guita Sabharwal, Điều phối viên thường trú của LHQ, dự án này sẽ rất quan trọng để thúc đẩy mục tiêu chung là bảo vệ phụ nữ và trẻ em nhập cư dễ bị tổn thương. Hiện có 10,6 triệu người nhập cư trong khu vực ASEAN, trong đó gần một nửa là phụ nữ và 1,3 triệu trẻ em. Người di cư, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, được cho là phải đối mặt với nhiều thách thức như bị bóc lột sức lao động, buôn người, bạo lực và quấy rối. Lao động nữ di cư cũng có nhiều khả năng làm việc trong các khu vực phi chính thức, nơi chỉ được cung cấp việc làm tạm thời, có rất ít hoặc không có bảo trợ xã hội. Trẻ em đi cùng người lao động nhập cư phải đối mặt với nguy cơ cao bị lạm dụng, bóc lột cũng như không được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Theo LHQ, di dân an toàn với việc làm bền vững làm phong phú thêm nền kinh tế ASEAN, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và nâng cao mức sống cho hàng triệu hộ gia đình, đặc biệt là những hộ khó khăn nhất. Điểm quan trọng không kém là đưa khu vực tư nhân vào các cuộc đối thoại về quyền của lao động nhập cư. Điều này cho phép tạo ra không gian làm việc an toàn và tươm tất, tập trung vào phụ nữ, đặc biệt là trong những ngành mà họ có nguy cơ bị bóc lột. Bà Alia El-Yassir, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UN Women, cho biết: “Việc giải quyết vấn đề bạo lực và quấy rối phổ biến đối với nữ lao động nhập cư ở Đông Nam Á là điều cấp thiết. Thông qua dự án chung này, chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ quyền, sự an toàn và nhân phẩm của họ, hướng tới một tương lai mà tất cả phụ nữ di cư có thể sống và làm việc không sợ hãi”.
Theo bà Debora Comini, Giám đốc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của UNICEF, trẻ em nhập cư rất dễ bị tổn thương, đặc biệt là trong bối cảnh đi cùng cha mẹ, làm việc trong khu vực tư nhân. Các chính sách và thực tiễn cần chú trọng trẻ em, đề cao quyền cũng như lợi ích tốt nhất của trẻ, bất kể tình trạng nhập cư.