Từ hội quán đến máy tính bảng
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, là người có nhiều trăn trở cùng nông dân vùng ĐBSCL. Bản thân ông Lê Minh Hoan đã trực tiếp vận động giới doanh nghiệp tặng hàng chục máy tính bảng cho nông dân tham gia các hội quán. Bởi theo ông Hoan: “Máy tính bảng là dụng cụ hữu hiệu để nông dân trình chiếu và học hỏi nông nghiệp xứ mình, xứ người. Đối với nông dân, hẳn đó là cách tiếp cận cuộc “cách mạng tri thức” khả thi nhất”. Đồng Tháp là địa phương đi đầu ở khu vực ĐBSCL chuyển tải những kiến thức kinh tế thành ngôn ngữ thật đời thường, thông qua nhiều mô hình hay ở các địa phương trong và ngoài tỉnh để dẫn giải nông dân hướng đến sự thay đổi. Các “hội quán nông dân” ở Đồng Tháp lần lượt ra đời đều hướng đến điều đó.
Sau Đồng Tháp, có thể nói Hậu Giang là địa phương rốt ráo giúp người dân làm “nông nghiệp thông minh”. Cách đây gần 2 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi về làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã gợi mở: “Hậu Giang cần chuyển từ nền nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh; phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ phục vụ nông nghiệp”. Từ gợi mở đó, tỉnh Hậu Giang đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được đẩy mạnh. Năm 2019, tỉnh tiếp tục thúc đẩy các mô hình làm kinh tế xanh, hướng tới nông nghiệp thông minh, liên kết phát triển theo cơ chế thị trường trên nền tảng logistics; trong đó ưu tiên đầu tư cho thủy sản, rau quả, lúa gạo. Hậu Giang đã thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Long Mỹ trên diện tích 5.200ha, với nhiều chính sách hỗ trợ người dân và các nhà đầu tư làm nông nghiệp 4.0, nông nghiệp sạch, xây dựng chuỗi giá trị nông sản.
Ngoài gạo, nhiều đặc sản chế biến của Hậu Giang đã được xuất khẩu như cá thát lát, khóm Cầu Đúc, chanh không hạt, mãng cầu xiêm, dưa lê, thanh long… Điều này chứng minh, bà con nông dân Hậu Giang luôn giàu khát vọng vươn lên và chính quyền tỉnh đã dành nhiều tâm sức cho lĩnh vực nông nghiệp. “Giúp nông dân làm nông nghiệp thông minh là hết sức cần thiết. Bởi đây là giải pháp phù hợp để phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp; từ đó giúp nông dân, hợp tác xã dễ dàng tiếp cận các ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, đặc biệt là sự hỗ trợ của các nhà khoa học, viện, trường, hiệp hội, doanh nghiệp nghiên cứu đề xuất các giải pháp khoa học, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Nông dân rất cần tiếp cận kinh nghiệm ứng dụng phù hợp công nghệ mới trên nền tảng công nghiệp 4.0 theo mô hình kinh tế xanh, làm nông thông minh, giúp nông dân có lời giải cho câu hỏi “Nuôi con gì, trồng cây gì và làm thế nào để có hiệu quả?”. Qua đó, làm giàu được từ ruộng vườn, trên chính mảnh đất quê hương mình”, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, xác định.
Gia tăng sử dụng chế phẩm sinh học
PGS-TS Nguyễn Duy Cần, Trưởng khoa Phát triển nông thôn (Trường ĐH Cần Thơ), cho rằng ứng dụng công nghệ cao ngày càng được cộng đồng quan tâm, tăng nhanh các mô hình ứng dụng công nghệ cao. “Các địa phương cần có chính sách đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư các ngành hàng trọng tâm, ngành hàng lựa chọn để ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp 4.0. Ưu tiên đầu tư cho các hợp tác xã vì đây là đơn vị tiềm năng để ứng dụng công nghệ cao và đầu tư phải đủ lớn để vận hành được, không nên đầu tư dàn trải, chạy theo số lượng”, PGS-TS Nguyễn Duy Cần gợi ý.
Trong khi đó, ông Lê Tiến Châu cho biết lãnh đạo tỉnh sẽ vận dụng tối đa các chính sách hiện có. Sắp tới tỉnh sẽ ban hành văn bản cụ thể hóa những nội dung ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, như với các chính sách mà ngân hàng đang tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, cũng như vấn đề khởi nghiệp, vấn đề liên kết sản xuất.
Hiện nay, đang có nhiều cách tiếp cận khác nhau với nền nông nghiệp 4.0. “Cuộc cách mạng nông nghiệp lần này chính là phải bắt đầu từ việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học… Thay vào đó phải gia tăng sử dụng các chế phẩm sinh học, phương thức sản xuất thân thiện với môi trường để tạo ra các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao”, ông Lê Minh Hoan đề xuất.