Nước rút tới đâu, xuống giống tới đó
Xuống giống sớm không chỉ chủ động nguồn cung gạo nguyên liệu cho xuất khẩu những tháng đầu năm mà còn né được hạn mặn trong năm 2023. Mùa lũ năm 2022, vùng đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp có lũ vượt báo động 1 sau gần 10 năm. Cùng với đó, triều cường xuất hiện khá muộn những tháng cuối năm khiến mực nước nội đồng dâng cao, thời gian xuống giống lúa đông xuân chậm lại.
Nhưng bù lại, nông dân miền Tây được dịp để đất nghỉ ngơi, đón thêm phù sa từ dòng Mê Công. Tuy vậy, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nông dân miền Tây đang chạy đua để xuống giống dứt điểm hơn 1,5 triệu hécta lúa vào giữa tháng 12-2022.
Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, để giành thắng lợi trong vụ sản xuất mới, địa phương chú trọng xây dựng lịch thời vụ xuống giống đồng loạt né rầy và né hạn, mặn, giảm nhẹ thiên tai; đẩy mạnh công tác khuyến nông và chuyển giao khoa học - kỹ thuật nông nghiệp; phát triển các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị, lấy các hợp tác xã nông nghiệp làm trung tâm...
Tương tự, tại Long An, địa phương tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập mặn rất cao vào cuối vụ. Vì vậy, tỉnh đã đốc thúc các địa phương chủ động xuống giống sớm vụ đông xuân để né mặn xâm nhập. Theo kế hoạch, vụ mùa này có hơn 221.000ha phân bổ ở nhiều vùng khác nhau.
Tại vựa lúa lớn nhất của Long An thuộc khu vực Đồng Tháp Mười, lũ lớn là sự mong đợi của nhà nông. Sau lũ rút, nông dân khẩn trương xả lũ, cày xới ngâm đất. Ông Trần Văn Bưởi, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Thạnh, cho biết, 29.000ha lúa đã gieo sạ sớm đang trong giai đoạn mạ và bắt đầu đẻ nhánh xanh tươi.
Tỉnh Kiên Giang hiện là địa phương có diện tích sản xuất lớn nhất ĐBSCL với 280.000ha. Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, nông dân vùng Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu đang đồng loạt tranh thủ nước rút tới đâu, xuống giống lúa tới đó. Nhà nông đã xả lũ vào đồng để đón phù sa, sản xuất vụ này giảm nhẹ phân bón, hạn chế sâu bệnh. Ông Lê Hữu Toàn dự báo một vụ mùa bội thu sau khi có lũ lớn hơn nhiều nhiều năm qua, dự kiến tỉnh tiếp tục đạt sản lượng khoảng 1,8 triệu tấn lúa.
Sản xuất theo đơn đặt hàng
Hiện nay, các địa phương đang chạy đua để hoàn thiện hệ thống thủy lợi để giúp nông dân chủ động nguồn nước. Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, để đạt hiệu quả sản xuất vụ đông xuân, ngành nông nghiệp tích cực vận động người dân ra quân đồng loạt làm thủy lợi nội đồng, khai thông dòng chảy, tiêu thoát lũ lúc đầu vụ sản xuất và đảm bảo nguồn nước tưới tiêu phòng chống hạn, mặn, giảm nhẹ thiên tai lúc cuối vụ.
Đồng thời, khuyến cáo nông dân cần chú trọng sử dụng cơ cấu giống hợp lý, nhất là sử dụng phổ biến các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như Đài Thơm 8, OM 18, OM 5451... nhằm nâng chất lượng hạt gạo hàng hóa. Đặc biệt, ưu tiên các giống lúa được các doanh nghiệp, thương lái liên kết sản xuất - tiêu thụ.
Còn tại Kiên Giang, ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, cho biết: “Hệ thống 57 cống, đập ngăn mặn ven biển đã hoàn thiện, các vùng sản xuất lúa trọng điểm đã khép kín ngăn mặn, giữ ngọt. Riêng 2 cống Cái Lớn, Cái Bé ngoài nhiệm vụ ngăn mặn, tạo thuận lợi cho bà con trồng trọt, còn điều tiết phù hợp phục vụ nuôi thủy sản nước lợ như tôm, cua tại vùng U Minh Thượng”.
Nét mới hiện nay là nông dân ĐBSCL đã tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp xuất khẩu. Ngay từ đầu vụ sản xuất, các địa phương đã chủ động mời doanh nghiệp đến bàn thảo cùng nông dân để “chốt kèo” chọn giống sản xuất và giá thu mua.
Các cuộc họp này có sự xuất hiện của các doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp như Lộc Trời, Tân Long, Trung An, Gentraco… và đưa ra định hướng về thị trường xuất khẩu lúa gạo trong năm, nhất là về cơ cấu giống lúa để các địa phương có hướng chỉ đạo sản xuất đạt hiệu quả, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp xuất khẩu.
Doanh nghiệp cũng đưa ra chính sách đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, như: liên kết hỗ trợ nông dân từ vốn, giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với phương thức phù hợp trên nguyên tắc cùng có lợi. Đây cũng là cách làm hay để giảm chi phí các khâu trung gian, nhất là khâu thu mua lúa thông qua hợp đồng tiêu thụ trực tiếp với các hợp tác xã, nông dân sản xuất lúa lớn.
Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng vọt, các nhà khoa học cho rằng, các địa phương vùng ĐBSCL cần đẩy mạnh liên kết giữa các tỉnh trong vùng. Sự liên kết nhằm phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo, nhất là về đầu tư hạ tầng, chia sẻ nguồn nước, xây dựng thương hiệu lúa gạo ĐBSCL để đảm bảo duy trì lợi nhuận tối đa cho nông dân và doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, dự kiến vụ đông xuân 2022-2023, toàn vùng ĐBSCL sẽ xuống giống khoảng 1,5 triệu hécta lúa, 85% trong số này sử dụng giống chất lượng cao. Các tỉnh ven biển như Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Tiền Giang cần xuống giống sớm (đầu tháng 12 dương lịch) để tránh xâm nhập mặn. |