Giúp nông dân thạo nghề trồng lúa

Nếu nhìn từ trên cao, bạn sẽ thấy tuyến đường nối từ Cần Thơ đi Vị Thanh (quốc lộ 61C) như một tấm lụa vàng màu lúa đơm bông trải rộng băng dọc hai bên đường. Cùng với kinh xáng Xà No, quốc lộ này được xem là con đường lúa gạo của Hậu Giang. 
Khâu xuống giống trên đồng ruộng Hậu Giang đã được cơ giới hóa
Khâu xuống giống trên đồng ruộng Hậu Giang đã được cơ giới hóa

Ở đó, có những con người đang cần mẫn lao động, áp dụng nhiều biện pháp trồng lúa tiên tiến để nâng cao giá trị cho hạt lúa nặng ân tình.

Nông dân trồng lúa cần “mã vạch”    

Ông Trần Văn Đáng là thành viên Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Hai Huynh (xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy), là một trong những nông dân Hậu Giang đầu tiên nhiệt tình tham gia sản xuất lúa thông minh. Nhìn lại vụ sản xuất lúa đông xuân vừa thu hoạch, ông Đáng cho biết: “Sản xuất lúa theo mô hình thông minh giúp tôi có nhiều kiến thức, hiểu biết hơn về kỹ thuật trồng lúa đáp ứng với xu thế mới, ứng phó được biến đổi khí hậu. Quan trọng là việc áp dụng mô hình trồng lúa cấy bằng máy, giúp ít tốn tiền công và được mua phân bón với giá thấp, hàng hóa chất lượng, giá cả ổn định và đặc biệt, không phải lo đầu ra. Còn lợi nhuận thì hơn trồng lúa thông thường 20%-30%. Mỗi năm, từ 2ha lúa, gia đình tôi làm 2 vụ lúa và nuôi một vụ cá, sau khi trừ các khoản chi phí vụ lúa hè thu, gia đình tôi lãi 40-50 triệu đồng; vụ đông xuân lãi 70-80 triệu đồng”.

"Giúp nông dân làm nông thông minh là hết sức cần thiết. Qua đó cũng giúp chúng ta đưa ra nhiều giải pháp phù hợp để phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp; đồng thời nông dân, HTX dễ dàng tiếp cận các ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, đặc biệt là sự hỗ trợ của các nhà khoa học, viện, trường, hiệp hội, doanh nghiệp nghiên cứu đề xuất các giải pháp khoa học, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, chỉ ra những kinh nghiệm ứng dụng phù hợp công nghệ mới trên nền tảng công nghệ 4.0 theo mô hình kinh tế xanh. Làm nông thông minh, bà con nông dân Hậu Giang tìm ra lời giải cho câu hỏi: nuôi con gì, trông cây gì và làm như thế nào? Qua đó bà con làm giàu được từ ruộng vườn, trên chính mảnh đất quê hương mình"-
Ông LÊ TIẾN CHÂU, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang


Ông Trần Văn Đáng là một trong nhiều xã viên đặt niềm tin vào sự năng động và tận tâm của Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hai Huynh (HTX Hai Huynh) là ông Trần Văn Huynh. Ông Hai Huynh là người thẳng tính và luôn tìm tòi cái mới để giúp nông dân gia tăng giá trị hạt lúa. Năm ngoái, HTX Hai Huynh tiên phong ứng dụng mô hình trồng lúa thông minh. Dù mô hình trồng lúa thông minh đã mang lại hiệu quả cho xã viên, nhưng ông vẫn chưa hài lòng. Cuối năm ngoái, trong buổi đối thoại giữa chính quyền tỉnh và doanh nghiệp, nông dân, ông Hai Huynh đã “chất vấn” Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh: “Nông dân muốn đầu tư truy xuất mã vạch cho nguồn gốc sản phẩm thì làm cách nào?”. Ngay sau đó, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trần Chí Hùng đã giao Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ HTX Hai Huynh thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc và mã vạch cho hạt lúa. 

HTX Hai Huynh là HTX đầu tiên thực hiện mô hình trồng lúa thông minh hiệu quả ở ĐBSCL. Giám đốc Trần Văn Huynh phấn khởi cho biết: “Vụ lúa đông xuân vừa rồi, HTX được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu trồng lúa RVT với giá 6.000 đồng/kg. So với trồng lúa thông thường thì trồng lúa thông minh giúp thành viên HTX giảm chi phí, ít sâu bệnh, giảm công lao động và cho năng suất, lợi nhuận cao hơn”. Sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân 1ha lúa canh tác theo mô hình trồng lúa thông minh mang lại cho HTX Hai Huynh lợi nhuận từ 30 triệu đồng/ha. Chính nhờ làm ăn hiệu quả, HTX Hai Huynh đã thu hút được hàng chục thành viên hùn vốn.  

Từ chiếc vòng gặt đến cây cào dặm

Vị Thủy là huyện nổi tiếng với nhiều nét đậm đặc sản của tỉnh Hậu Giang (làng trầu, cá thát lát cườm, cá rô đồng…) và hàng ngàn nông dân luôn đi đầu trong phong trào ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều nông dân đã trở thành tỷ phú nhờ nuôi cá, trồng lúa. Cách đây 18 năm (năm 2002), huyện Vị Thủy là một trong 2 huyện được ngành nông nghiệp cho triển khai mô hình “3 giảm, 3 tăng” đầu tiên của cả nước. Hồi ấy, những nông dân như Út Ghiền, Lâm Ngọc Quang (Bảy Quí) đã tiên phong thực hiện chương trình “3 giảm, 3 tăng”. Và, Vị Thủy là huyện đầu tiên thực hiện thành công chương trình; đến nay chương trình “3 giảm, 3 tăng” được nhân rộng ra cả nước. 

Con đường lúa gạo đi qua địa bàn huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang

Giờ bước qua tuổi 70 nhưng ông Út Ghiền (xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy) vẫn nhớ câu “slogan” của chương trình quản lý dinh dưỡng và dịch hại tổng hợp “3 giảm, 3 tăng”: Giảm giống, giảm phân và giảm thuốc bảo vệ thực vật; Tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng lợi nhuận cho nông dân. Lão nông Út Ghiền và Bảy Quí đã gắn bó với ông Nguyễn Văn Vui, khi ấy là Trưởng phòng NN-PTNT huyện (hiện là Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy). Nhờ áp dụng thuần thục các biện pháp sản xuất này, lão nông Bảy Quí đã trở thành một trong 50 nông dân từ 34 tỉnh, thành phố của cả nước được tôn vinh và nhận bằng khen của Bộ NN-PTNT về “Nông dân sáng tạo - sản xuất lúa giỏi”, tại Festival lúa gạo Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại Hậu Giang năm 2009. Ông Bảy Quí cũng là nông dân hiếm hoi được Viện Lúa quốc tế (IRRI) xin chiếc vòng gặt lúa về trưng bày ở IRRI. Còn lão nông Út Ghiền, bạn tâm giao với ông Bảy Quí, là một trong những người đi tiên phong góp sức gây dựng cánh đồng mẫu đầu tiên của tỉnh Hậu Giang. Nông dân trong xóm ví von gọi ông Út Ghiền là chủ nhiệm cánh đồng mẫu (thay vì gọi chủ nhiệm HTX). 

Là một nông dân giàu lên nhờ trồng lúa thơm, ông Út Ghiền được nông dân Vị Thủy tôn trọng vì ông từng trồng lúa đạt năng suất 26 tấn/3 vụ/ha/năm (cao nhất là lúa đông xuân đạt năng suất 10 tấn/ha). Lúa chất lượng cao, lúa thơm trong cánh đồng mẫu trúng lớn, được doanh nghiệp bao tiêu mua giá khá cao.

Kỹ sư Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, kể lại một chi tiết khá thú vị: Khi nông dân Vị Thủy áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” là lúc họ biết đứng lên chứ không còn khom lưng làm lúa nữa. Ông Nguyễn Văn Vui diễn giải: “Từ chương trình “3 giảm, 3 tăng”, nông dân huyện Vị Thủy đã sáng chế ra cây cào dặm lúa. Cây cào dặm này đã giúp nông dân đứng móc chỗ lúa dày chuyển sang chỗ thưa trên đất ruộng, thay vì phải khom lưng cấy dặm như truyền thống”. 

Cùng với các trạm bơm điện, xuống giống bằng máy, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, nhiều nông dân bán lúa tại ruộng. Câu nói của một số nông dân ở huyện Vị Thủy - trồng lúa hiện nay chỉ cần chạy xe gắn máy vào ruộng “cầm tiền” - không phải là chuyện đùa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ông Trương Cảnh Tuyên, cho biết: “Hậu Giang là tỉnh có nhiều người dân dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, diện tích đất trồng lúa gần 80.000ha. Chúng tôi luôn quán triệt phải tận dụng mọi tiến bộ kỹ thuật để giúp nông dân gia tăng thu nhập từ hạt lúa. Bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng; 1 phải, 5 đúng”, tỉnh đang triển khai thêm mô hình sản xuất lúa thông minh để giúp nông dân, cùng với hình thành hệ thống thủy lợi, các trạm bơm tưới. Việc tỉnh triển khai thực hiện đề án cơ giới hóa, hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn mua máy gặt đập liên hợp đã mang lại nhiều hiệu quả. Các biện pháp này đã giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, giảm thất thoát sau thu hoạch. Điều đáng mừng là nông dân Hậu Giang đã chuyển biến, sử dụng hơn 90% các giống lúa cho phẩm cấp gạo chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, bán được giá. Qua đó, đã hạ giá thành sản xuất lúa xuống thấp nhất khu vực ĐBSCL, chỉ còn 2.900 đồng/kg, lợi nhuận của nông dân trồng lúa đã được nâng lên đáng kể”.

Tin cùng chuyên mục