“Khách sạn miễn phí cho các đoàn cứu trợ. Sức chứa 40-50 người, có chỗ nấu ăn cho đoàn. 65 Võ Thị Sáu, TP Huế. Liên lạc 0914478889”. Dòng trạng thái trên Facebook cá nhân của chị Hồ Thị Diệu Hằng, chủ khách sạn Sapphire, được cộng đồng mạng chia sẻ như chắp thêm yêu thương cho miền Trung bão lụt. Là người con của đất cố đô, chị Hằng cảm nhận rất rõ sự khó khăn, mất mát mà đồng bào đang gánh chịu, đặc biệt trong những ngày bão lũ.
Thấy các đoàn từ thiện từ mọi miền đất nước chẳng quản khó khăn để đến với Huế, chị Hằng chợt nghĩ: “Họ đã đi làm từ thiện, lại phải chật vật tìm chỗ trú. Trong khi mình ở tại Huế, may mắn không bị thiệt hại nhiều, mình có sẵn chỗ ở, vị trí thuận lợi, tại sao mình không tạo điều kiện tốt nhất cho những tấm lòng hào hiệp đó!”.
Được chồng ủng hộ, chị Diệu Hằng sử dụng khách sạn 16 phòng của gia đình để đón bà con từ các nơi về cứu trợ. Những ngày nước lũ dâng cao, đường sá tắc nghẽn vì ngập lụt, nhân viên khách sạn đều tạm nghỉ, chồng chị cũng không thể bỏ việc của anh. Thế là, gửi 2 con nhỏ về bà ngoại, chị Hằng một mình vừa đảm nhận vai trò lễ tân, vừa kiêm luôn dọn phòng lẫn nấu nướng.
Bỏ ngoài tai những lời dị nghị rằng tự nhiên rước thêm việc vào người, chị Hằng tươi cười bảo: “Việc mình đang làm chỉ là một hạt cát giữa mênh mông tình người. Giúp đỡ nhau giữa lúc ngặt nghèo mới là đáng quý”. Khách sạn mới hoạt động được 2 năm thì gần 1 năm nay đã chịu khó khăn vì dịch Covid-19, nhưng theo cách nói lạc quan của chị “cố gắng cùng nhau chèo chống, tất cả sẽ qua”.
Cùng suy nghĩ với chị Diệu Hằng, anh Nguyễn Ngọc Lâm ở phường Hương Sơ (thị xã Hương Trà) tình nguyện hỗ trợ phương tiện cho các đoàn thiện nguyện đến Huế bằng xe 7 chỗ của mình. Hơn 2 tuần nay, số điện thoại 0934772122 của anh Lâm đổ chuông liên tục. Anh cho biết, trung bình mỗi ngày xe chạy 2 chuyến, lúc đi huyện Phong Điền rồi về huyện Phú Vang; khi từ huyện Quảng Điền về huyện Hương Trà và ngược lại. Có hôm vừa về đến nhà thì có điện thoại gọi nhờ đi Quảng Trị. Biết người dân Quảng Trị cũng đang khốn khổ vì lũ, đoàn lại từ Hà Nội vào không thông thuộc đường sá, anh Lâm lập tức lên xe cùng mọi người thẳng tiến ra huyện Hải Lăng. Chàng trai 33 tuổi chẳng nề hà bất cứ việc gì để hỗ trợ các đoàn. Anh vừa đảm nhận vị trí tài xế, vừa kiêm bốc vác, phân phát quà và cả hướng dẫn viên trong mùa lụt.
Hiện tại, các tuyến đường vào nơi cần cứu trợ đang còn ngập nước, sạt lở và trơn trượt, nhưng chiếc xe nghĩa tình biển số 75 này không vì thế mà đứng yên một chỗ. “Chốt lịch” xong là anh Lâm lo kiểm tra xăng xe, tìm hiểu, theo dõi thông tin lộ trình sắp đi. Anh còn “tham mưu” khu vực nào bà con đang cần kíp hay tư vấn những vật dụng thiết yếu với người dân trong cảnh lụt lội. Hỏi xin một tấm ảnh của anh Lâm khi lái xe tình nguyện, anh cười hiền: “Người đi cứu trợ thì nóng ruột đến nơi cần đến, bà con cần giúp đỡ thì mong ngóng hàng tiếp tế để cầm cự từng giờ, em làm gì có thời gian chụp ảnh, chịu thôi ạ!”.
Còn nhiều nữa những hành động chia sẻ khó khăn, cùng chung sức, giúp nhau trong hoạn nạn. Đó là anh Lê Trung Lâm (quê Nghệ An), Giám đốc Trung tâm Nhật ngữ Intrase (phường An Tây, TP Huế). Cơ sở của anh nằm ở vùng đất cao, không bị ngập nên anh đã chủ động tạo điều kiện cho hơn 40 sinh viên đến trú và lo ăn miễn phí. Đó là “Đội cano 0 đồng” đang hoạt động hết công suất, tả xung hữu đột khắp từ Huế đến Quảng Trị để hỗ trợ bà con đang mắc kẹt trong vùng bị cô lập; cứu hộ, cứu nạn, đưa bệnh nhân, sản phụ đi sinh đến bệnh viện, hỗ trợ vận chuyển hàng cứu trợ…
“Đội cano 0 đồng” là sự kết hợp của các thành viên CLB thuyền hơi Hà Nội, CLB thuyền hơi Đà Nẵng và CLB Đà Nẵng tình người. Người điều phối chính là Trần Đăng Vinh, chàng trai 30 tuổi luôn năng nổ đi đầu trong các hoạt động thiện nguyện, mà nổi bật là khởi xướng chương trình “Chung tay cùng Đà Nẵng chống dịch Covid-19” cách đây chưa lâu. Đó còn là nhà hàng Không gian xưa (Điện Biên Phủ, TP Huế) sẵn sàng phục vụ cơm miễn phí cho các đoàn từ thiện về Huế cứu trợ lũ lụt.
Cả nước đang hướng về miền Trung. Truyền thống, tinh thần chia sẻ, đùm bọc, trợ giúp nhau của dân tộc Việt Nam sẽ giúp người dân miền Trung kiên cường vượt qua thiên tai để ổn định cuộc sống.