Vượt qua nghịch cảnh
Bà Thanh Tuyền là chị cả, cùng 3 đứa em trai sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên dòng sông Tiền (thuộc xã Mỹ Phước, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang). Sau khi lập gia đình và có được 2 đứa con, do gia cảnh khó khăn, năm 1991 vợ chồng bà dắt dìu con cái vào tận Khu Tư (nằm giữa vùng đất trung tâm Đồng Tháp Mười của huyện Tam Nông) lập nghiệp. Bà Thanh Tuyền kể: “Lúc đó, vợ chồng tui ở đậu đất Nhà nước cạnh bên cây cầu dây văng bắc ngang kênh Đồng Tiến. Mới đầu vô dựng trại cây để làm, đi mua từng lóng gỗ đem về bán lẻ, cắc ca cắc củm được đâu mười mấy năm thì tai họa ập xuống. Chồng mất, để lại cho tui nuôi dạy 5 đứa con thơ. Tui lao vào công việc, vừa đảm trách bổn phận làm cha vừa làm mẹ, vất vả, cực nhọc lắm. Năm tháng trôi qua, tui cần mẫn nuôi dạy các con ăn học nên người. Sau này làm có tiền mới mua đất bên khóm 3 để làm nên trại cưa xẻ gỗ Thành Công như ngày hôm nay”.
Bà Thanh Tuyền cho biết, hàng năm vào các tháng 3, 4 và 7 là thời điểm bán gỗ xây cất nhà được nhiều nhất. Doanh thu của những tháng nêu trên lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều năm nay, trại cưa xẻ gỗ Thành Công tạo việc làm thường xuyên cho 4 - 5 lao động tại địa phương, với mức thu nhập 4 - 6 triệu đồng/người/tháng và được bao ăn bữa trưa, mua tặng bảo hiểm tai nạn dài hạn.
Làm được gì giúp người thì làm
Không chỉ chú tâm phát triển sản xuất, kinh doanh, bà Thanh Tuyền còn quan tâm giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Những năm qua, bà Thanh Tuyền đã thực hiện nhiều hoạt động xã hội ở địa phương, như: đóng góp tiền, gạo cho các tổ chức từ thiện trong và ngoài thị trấn để giúp những người già neo đơn, không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, người khuyết tật; tặng tiền và gỗ để cất, sửa chữa nhà tình thương giúp đỡ người khốn khó… Định kỳ hàng tháng, bà Thanh Tuyền đều ủng hộ chi phí cho Tổ từ thiện cấp cơm cháo, nước uống miễn phí của Trung tâm Y tế huyện Tam Nông để giúp các bệnh nhân nghèo. Bà Thanh Tuyền tâm sự: “Tiền của bao nhiêu xài cũng hết, cái quý nhất trên đời là tình người với nhau, phải biết giúp nhau lúc khốn khó. Ngày xưa mình cũng khổ nên thấu được nỗi khổ của người khó khăn. Tui thấy bà con nghèo khổ, hoạn nạn chịu không nổi, nên giúp được một người vượt qua cảnh khốn khó là lòng tôi rất vui. Khi vất vả, hoạn nạn qua đi, tình người sẽ còn đọng lại. Trại cưa xẻ gỗ của tôi mang tên Thành Công thì tôi cũng nguyện phải sống sao cho thành nhân”.
Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm bà Thanh Tuyền đều trích lợi nhuận từ việc kinh doanh 70 - 100 triệu đồng để làm từ thiện, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh cơ nhỡ, khó khăn. Khi biết được nơi nào có những học sinh đang gặp khó khăn trong học tập; hộ dân còn nghèo khó, bệnh hoạn, tật nguyền… thì bằng mọi cách, bà chủ trại cưa xẻ gỗ lại đến thăm hỏi, tìm hiểu, động viên và giúp đỡ.