Khi nói đến Thụy Điển, các nhà nghiên cứu kết luận, mặc dù nước này có vẻ tiến bộ hơn so với các nước EU khác song tình trạng kỳ thị vẫn tăng. Báo cáo nêu bật các trường hợp tấn công vào người nhập cư và hoạt động cực hữu ở Thụy Điển.
Theo người phát ngôn của ENAR - bà Georgina Siklossy, một số hạn chế đối với chính sách di cư và hội nhập đã được ban hành, có những văn bản pháp luật chuyển từ chào đón tích cực người tị nạn sang các ngôn từ xem người tị nạn là một vấn đề nan giải. Điều này ảnh hưởng đến những người nhập cư sống ở Thụy Điển đã 2 - 3 thế hệ. Theo số liệu của ENAR, đã có 43 vụ tấn công người nhập cư xảy ra ở Thụy Điển trong năm 2015. Theo bà Siklossy, các cuộc tấn công này có thể liên quan đến những cuộc tranh luận chống người nhập cư đang diễn ra nhiều nơi ở Thụy Điển. Các tổ chức xã hội dân sự ở châu Âu cho rằng, các cuộc thảo luận như vậy tạo điều kiện hợp pháp hóa các cuộc tấn công bạo lực, khuyến khích những người có quan điểm phân biệt chủng tộc có những hành động bạo lực, tạo nên một môi trường thù địch đối với người nhập cư. Nghiên cứu của ENAR cho thấy, Thụy Điển cũng là một trong số các quốc gia thành viên EU có quan niệm rằng những phụ nữ châu Âu da trắng cần phải được bảo vệ khỏi những người đàn ông Hồi giáo di cư.
Bất chấp xu hướng đáng ngại như vậy, không ít công dân Thụy Điển đã cố gắng tìm mọi cách để thúc đẩy hội nhập thay vì lảng tránh người nhập cư. Ở TP Tierp, tỉnh Uppsala, có hẳn một dự án nhằm thúc đẩy sự hội nhập của những người mới đến bằng cách mở các khóa học cưỡi ngựa miễn phí. Phần lớn các trẻ em tị nạn đến với bộ môn này không có người đi kèm, nhưng tất cả đều được chào đón. Emma Andersson, giám đốc dự án, nói với tờ Aftonbladet của Thụy Điển: “Ý tưởng chung là người nhập cư và người bản xứ nên quen biết nhau theo cách tự nhiên”. Theo tờ báo, các cuộc họp hàng tuần của câu lạc bộ cưỡi ngựa đang tràn ngập trẻ em tị nạn thiếu kiến thức, nhiều người trong số họ chưa bao giờ cưỡi ngựa. “Thực tế, chúng tôi là một nhóm những người lớn tuổi nhưng điều quan trọng là sự hòa nhập với những người trẻ tuổi và cùng vui đùa với họ”, chị Ulla Andersson, một thành viên của dự án nói.
Phần lớn các phụ nữ trong dự án nhận ra rằng, môi trường thân thiện có tác động tích cực đến những người mới đến và ngược lại, các thành viên cũng rất vui khi tìm hiểu những người mới đến. Tuy nhiên, dự án dạy cưỡi ngựa đã làm nổ ra cuộc tranh luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông xã hội Thụy Điển. Một số người cho rằng không công bằng khi cho trẻ em nhập cư cơ hội cưỡi ngựa miễn phí, trong khi trẻ em Thụy Điển vẫn phải trả tiền. Những người khác e ngại các vấn đề bạo lực hay lạm dụng giữa các cô gái Thụy Điển với thanh thiếu niên nhập cư. Một dự án mới bao giờ cũng vấp phải những bất đồng. Dù sao, giữa một xã hội còn nhiều kỳ thị đối với người nhập cư thì hành động cảm thông, chia sẻ của những người phụ nữ trong dự án là điều rất đáng khích lệ.