Giúp người hoàn lương tiếp cận vốn chính sách

Tháng 8-2023, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 22 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Tại tỉnh Quảng Nam, chỉ trong thời gian ngắn thực hiện chủ trương nhân văn này, đã có rất nhiều người được vay vốn ưu đãi để học nghề, sản xuất và ổn định cuộc sống.

Hòa nhập cộng đồng

Tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn ưu đãi làm ăn theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ là chủ trương, chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước. Đây là lần đầu tiên người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để làm lại cuộc đời.

Ở tỉnh Quảng Nam, để thực hiện chính sách này hiệu quả, lực lượng công an đã phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để người hoàn lương vay vốn chính sách.

Z4a.jpg
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn người chấp hành xong án phạt tù tại tỉnh Quảng Nam thực hiện thủ tục vay vốn. Ảnh: MINH HUY

Chồng chị Đoàn Thị Thu Thủy (trú xã Tam Sơn, huyện Núi Thành) vi phạm pháp luật, bị xử phạt tù và mới được trở về địa phương, quyết sửa chữa lỗi lầm, phát triển kinh tế gia đình.

Nắm được nhu cầu vay vốn của gia đình chị Thủy, Công an xã Tam Sơn phối hợp với đoàn thể địa phương khảo sát, hướng dẫn chị vay vốn ưu đãi theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ. Được hướng dẫn tận tình, chị Thủy đã vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Núi Thành với số tiền 100 triệu đồng.

Nhận được số tiền trên, chị Thủy xúc động nói: “Chương trình này rất có ý nghĩa với gia đình tôi, 100 triệu đồng sẽ giúp gia đình tôi cải thiện cuộc sống. Tôi định hướng lấy ngắn nuôi dài, cải thiện lại mấy hécta rừng keo của gia đình để sau này có nguồn thu, có thể trả lại vốn vay cho nhà nước”.

Theo Quyết định số 22, người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.

Mức cho vay để đào tạo nghề tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người; mức cho vay để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm tối đa là 100 triệu đồng/người; 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở. Lãi suất cho vay bằng lãi suất vay dành cho hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ, hiện tại là 6,6%/năm.

Điều quan trọng để người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn là phải chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn có thể chủ động trình bày nguyện vọng với UBND hoặc công an cấp xã để được đưa vào diện tiếp cận nguồn vốn một cách sớm nhất và được hỗ trợ, tư vấn các thủ tục, hồ sơ liên quan.

Sớm mở rộng các điều kiện được vay vốn

Ông Trần Công Hiệu, Chủ tịch UBND xã Tam Sơn (huyện Núi Thành), cho rằng, Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù là một quyết định mang tính nhân văn rất cao. Điều này giúp người hoàn lương có điều kiện hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.

Chủ tịch UBND xã Tam Sơn chia sẻ thêm, nhu cầu được vay vốn chính sách của người chấp hành xong án phạt tù về địa phương sinh sống rất nhiều. Tuy nhiên, theo quy định của Quyết định 22 thì điều kiện được vay tiền là người có thời gian chấp hành án phạt tù không quá 5 năm, nên đối tượng vay bị hạn chế.

Vì thế, mong muốn của chính quyền địa phương là các cấp, các ngành có sự quan tâm, mở rộng các điều kiện được vay vốn, tạo điều kiện để thêm nhiều người chấp hành xong án phạt tù về địa phương được vay vốn.

Bà Lê Thị Kim Anh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam, cho biết, từ khi triển khai Quyết định 22, đơn vị đã phối hợp với lực lượng công an cùng địa phương tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn nhằm tạo điều kiện giúp gia đình có người chấp hành xong án phạt tù tiếp cận nguồn vốn. Đến hết quý 2 - 2024, đã có 156 khách hàng được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam cho vay; tổng số vốn vay lên đến 8,7 tỷ đồng.

“Đây là chính sách tín dụng ưu đãi rất có ý nghĩa của Chính phủ, tạo chuyển biến tích cực trong việc quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống. Qua đó tạo công ăn việc làm, sinh kế cho những người đã không may lầm lỡ, vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, ổn định xã hội, phát triển kinh tế ở địa phương”, bà Lê Thị Kim Anh bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục