Giúp người chưa thành niên phạm tội làm lại cuộc đời

Sau khi Báo SGGP đăng vệt bài “Băn khoăn xử lý người chưa thành niên phạm tội”, phóng viên đã trao đổi với đại biểu Quốc hội (ĐB) về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN) sẽ được trình tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Nhiều ý kiến đánh giá đây là một đạo luật chuyên biệt không chỉ kế thừa số điều khoản liên quan được quy định trong các luật mà còn bổ sung rất nhiều điểm mới, là một bước tiến trong tiến trình cải cách tư pháp.

Một nhóm đối tượng chưa thành niên phạm tội bị Công an quận 12 (TPHCM) bắt giữ. Ảnh: CHÍ THẠCH
Một nhóm đối tượng chưa thành niên phạm tội bị Công an quận 12 (TPHCM) bắt giữ. Ảnh: CHÍ THẠCH

ĐB NGUYỄN THỊ VIỆT NGA, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương:

Đảm bảo nhân văn, vừa đủ răn đe

Việc trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến về dự thảo Luật Tư pháp NCTN trong kỳ họp thứ 7 lần này là rất kịp thời. Bởi vì, trong bối cảnh hiện nay, pháp luật về tư pháp đối với NCTN nằm rải rác ở một số luật khác nhau. Những quy định này chưa hoàn chỉnh, chưa đầy đủ, khiến việc thực hiện tư pháp đối với NCTN gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, ngay cả những quy định về trại giam, chúng ta chưa tách bạch rõ ràng quy định về cán bộ quản giáo đối với NCTN và người đã thành niên. Nhiều quy định và thủ tục tố tụng đối với NCTN cũng chưa thân thiện. Tất cả những điều này khiến chúng ta gặp khó khăn khi ứng xử với NCTN phạm tội giống như người thành niên phạm tội. Chính vì vậy, rất cần thiết có một đạo luật riêng về hỗ trợ tư pháp đối với NCTN.

E3b.jpg

Tôi cũng tán thành phương pháp áp dụng trong dự thảo luật, nghĩa là trước khi áp dụng hình phạt hình sự, chúng ta sẽ áp dụng tối đa các biện pháp bổ sung khác. Nếu các biện pháp này không đạt hiệu quả, chúng ta mới áp dụng mức phạt hình sự. Việc giảm án đối với NCTN thể hiện tinh thần nhân đạo, nhằm tạo điều kiện cho NCTN phạm tội có cơ hội làm lại cuộc đời.

Tuy nhiên, đối với những tội phạm nguy hiểm cho xã hội, không nên quá giảm nhẹ hình phạt, vì như thế không đủ sức răn đe. Cho nên tôi băn khoăn quy định xem xét giảm án phạt cho NCTN phạm tội. Bởi thực tế trong xã hội, độ tuổi tội phạm ngày càng trẻ hóa và phạm tội nguy hiểm như giết người, hiếp dâm, lừa đảo… Chúng ta cần cân nhắc và nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng vấn đề này để những quy định.

ĐB NGUYỄN THỊ SỬU, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế:

Góp phần hoàn thiện pháp luật tư pháp

Một thực tế khá đau lòng đang diễn ra là số lượng NCTN phạm tội có xu hướng gia tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hiện nay, khi xét xử NCTN phạm tội, thủ tục giải quyết còn rườm rà, thời gian giải quyết còn dài. Mặt khác, quan điểm xử lý NCTN phạm tội vẫn còn nặng tính răn đe, chưa chú trọng tạo cơ hội cho NCTN phạm tội sửa chữa, cải thiện hành vi. Chính vì vậy, xã hội đang kỳ vọng Luật Tư pháp NCTN sẽ góp phần hoàn thiện pháp luật tư pháp, tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ NCTN phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội. Xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức và vì lợi ích tốt nhất cho NCTN.

E3a.jpg

Dự thảo luật bổ sung nhiều biện pháp hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng không chỉ trong trường giáo dưỡng, trại giam trước khi trả tự do, mà còn sau khi trả tự do; xóa bỏ thành kiến, phân biệt đối xử. Việc đưa những quy định hỗ trợ vào trong dự thảo luật đã nâng cao tính pháp lý, có tính ràng buộc đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm hỗ trợ tốt nhất cho NCTN phạm tội sớm hòa nhập với cuộc sống.

ĐB HOÀNG THỊ THANH THÚY, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh:

Hỗ trợ NCTN "đứng lên sau vấp ngã"

Từ năm 2019 đến nay, hầu như biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng chưa được áp dụng; có chưa đến 20 trường hợp được áp dụng giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Số lượng này không nhiều và cũng chưa có báo cáo đánh giá tác động chính thức về tính khả thi, hiệu quả của các biện pháp trên. Do vậy, dự thảo luật lần này mở rộng các chế định xử lý chuyển hướng thay thế các hình phạt với 12 biện pháp chuyển hướng xử lý, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính trừng phạt, giam giữ. Tuy nhiên, tôi cho rằng, với 12 biện pháp xử lý chuyển hướng trong dự thảo luật thì rất cần phải đánh giá thấu đáo về tính khả thi, hiệu quả áp dụng các biện pháp này. Vì vậy, tôi đề nghị cần tiếp tục đối chiếu, so sánh, tiếp thu thêm kinh nghiệm của quốc tế về các biện pháp giám sát, giáo dục.

E3c.jpg

Đối với các biện pháp xử lý chuyển hướng trong dự thảo luật, tôi cho rằng vai trò của người giám sát là rất quan trọng. Mục tiêu của chúng ta không chỉ là đánh giá kết quả thực hiện, mà quan trọng hơn là qua thi hành các biện pháp đó đánh giá kết quả NCTN có chuyển biến gì về nhận thức, hành vi của mình. Cho nên, tôi rất quan tâm quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí người giám sát, giáo dục phải có phẩm chất về đạo đức, am hiểu tâm lý lứa tuổi, có kỹ năng chia sẻ, thấu hiểu... để vừa giám sát, vừa giúp đỡ người vi phạm pháp luật “đứng lên sau vấp ngã”.

Tin cùng chuyên mục