Giúp người chưa thành niên chịu trách nhiệm và sửa chữa sai lầm

Tư pháp người chưa thành niên (NCTN) là vấn đề được đề cập trong nhiều văn bản pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Nội dung điều chỉnh của pháp luật về tư pháp NCTN khá rộng, trong đó nhiều quy định ghi nhận quyền và nhiều quy định bảo vệ quyền của NCTN.

Trong pháp luật của nhiều nước cũng có các quy định riêng nhằm phòng ngừa việc NCTN vi phạm pháp luật và các biện pháp chuyển hướng xử lý NCTN vi phạm pháp luật. Nhiều quốc gia khi ban hành Luật Tư pháp NCTN chỉ áp dụng biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ NCTN sửa chữa sai lầm, hòa nhập cộng đồng, thiên về tính giáo dục, phòng ngừa vi phạm, thúc đẩy áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng để đưa NCTN ra khỏi các quy trình tố tụng như của người lớn (ví dụ Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Anh...).

Ở Việt Nam hiện nay cũng đang có chuyển biến mạnh mẽ và nhân văn tương tự thế giới, đặc biệt trong việc sắp sửa ban hành Luật Tư pháp NCTN. Trong đó quy định “Xử lý chuyển hướng là thủ tục thay thế thủ tục tố tụng hình sự để xử lý NCTN phạm tội bằng các biện pháp giáo dục, phòng ngừa mang tính xã hội”. Việc quy định các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội nhằm mục đích đưa ra biện pháp kịp thời và hiệu quả đối với NCTN, giúp họ nhận biết, tự chịu trách nhiệm và sửa chữa sai lầm đã gây ra, tự rèn luyện và giáo dục họ. Trong đó, biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý chuyển hướng được xem là nặng nhất khi không thể áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng khác.

Tại TPHCM, trong nhiều báo cáo của Công an TPHCM đánh giá, hiện nay tình hình NCTN vi phạm pháp luật có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp. Trẻ em, NCTN thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ từ gia đình, có xu hướng hoạt động phạm tội ngày càng cao, hoạt động phạm tội ngày càng nghiêm trọng, hoạt động theo các nhóm có nhiều đối tượng tham gia. Các đối tượng hoạt động phạm tội là NCTN hiện nay thường sử dụng hung khí, vũ khí tự chế nguy hiểm, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng khi bị phát hiện.

Vậy cần làm gì để vừa đảm bảo việc xử lý hiệu quả tội phạm chưa thành niên, vừa đảm bảo tính nhân văn của các biện pháp chuyển hướng đang được soạn án để ban hành? Có thể nói rằng việc phát triển của tội phạm chưa thành niên ở TPHCM là một thực tế và được cả xã hội nhận thấy, tuy nhiên cần xem xét nguyên nhân các yếu tố tác động, trong đó có các biện pháp xử lý (nói chung), xử lý hình sự, xử lý chuyển hướng… thì cái nào mang tới những điểm tích cực hay tiêu cực tới việc đẩy lùi những vi phạm hình sự của NCTN.

Chúng ta cần hiểu là, không phải các biện pháp chuyển hướng là loại bỏ hoàn toàn hình phạt hình sự đối với NCTN, cụ thể dự án luật quy định: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017); hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017); hoặc NCTN là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án mới được xem xét áp dụng biện pháp chuyển hướng.

Bên cạnh đó, đấu tranh phòng chống tội phạm đối với NCTN không chỉ là trách nhiệm của công an, của các cơ quan tư pháp mà cần gắn chặt với nhà trường, cha mẹ và chính quyền địa phương. Các biện pháp xử lý chuyển hướng rất nhân văn, phù hợp, nâng cao trách nhiệm của cha mẹ, gia đình, cộng đồng tham gia trực tiếp vào hoạt động xử lý chuyển hướng, hạn chế tác động tiêu cực của thủ tục tố tụng hình sự đối với NCTN, ngăn ngừa họ phạm tội mới, tạo cơ hội tái hòa nhập cộng đồng.

Vì vậy, dư luận cần được “đả thông” những suy nghĩ lo lắng rằng xử lý chuyển hướng sẽ làm giảm tính răn đe đối với NCTN phạm tội và cần hiểu rõ những giải pháp, những tư tưởng tốt đẹp trong dự án Luật Tư pháp NCTN. Dự án luật này quy định 11 biện pháp xử lý chuyển hướng nhân văn hơn, thực tế hơn sẽ thúc đẩy việc áp dụng ngày càng nhiều hơn các trường hợp chuyển hướng. Ngoài ra, chúng ta nên quy định về các trách nhiệm cụ thể hơn, chi tiết hơn đối với cha mẹ, nhà trường và UBND địa phương đối với tỷ lệ vi phạm pháp luật hình sự của NCTN.

ThS NGUYỄN ĐỨC HIẾU

Trường Đại học Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM

Tin cùng chuyên mục